Trượt đại học có đáng sợ như chúng ta nghĩ?
Đại học là đích đến của hầu hết các sĩ tử sau 12 năm miệt mài đèn sách. Và kỳ thi đại học được coi là một bước ngoặt quan trọng ảnh hưởng rất lớn đến tương lai. Hơn nữa, đỗ đại học được xem là điều tự hào vì đạt được bước đầu trong quá trình chạm tới thành công.
Tuy nhiên, không phải ai cũng đạt được mục tiêu như mong muốn, đạt được kỳ vọng của bản thân và gia đình.Tất nhiên, sẽ có những vấp ngã trong cuộc đua khốc liệt này. Nói cách khác, sẽ có những sự thất bại đầu tiên mang tên trượt đại học. Nhưng trượt đại học có phải là một dấu chấm hết? Và có phải là đã dập tắt hết mọi hy vọng về một tương lai tươi sáng hay không?
MỤC LỤC
1. Ngưỡng cửa đại học – thử thách đầu đời
1.1. Sức nặng của áp lực thi cử
Kỳ thi đại học rất quan trọng đối với cuối cấp của học sinh. Và mỗi mùa thi đến, điểm số trở thành áp lực kinh hoàng. Vì lượng kiến thức “khủng” phải ghi nhớ nên nhiều học sinh chọn cách học ngày học đêm. Họ vùi đầu vào đống sách vở để bởi vì muốn đạt được thành tích cao.
Nhắc đến sức nóng của kỳ thi đại học thì chắc chắn phải nhắc đến sức nặng của áp lực thi cử đè nặng trên vai những người ôn thi. Trước hết, áp lực thi cử xuất phát từ chính niềm hy vọng của bản thân học sinh. Thật vậy, có ai không hy vọng mình đạt được nguyện vọng ngành nghề mình mong muốn. Và có ai không hy vọng có được một bước đệm vững chãi cho sau này? Hơn thế nữa, áp lực đồng trang lứa, tâm lý sợ thua kém bạn bè nên lao đầu vào học điên cuồng để bằng bạn bằng bè.

Bên cạnh đó, sự kỳ vọng quá cao của cha mẹ cũng là một yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến sức nặng của áp lực thi cử của rất nhiều học sinh. Các bậc phụ huynh luôn mong muốn những điều tốt đẹp nhất đến với cái của họ. Vì thế, nhiều người muốn con cái chọn trường, chọn ngành theo mong muốn của mình, áp đặt điểm số, áp đặt suy nghĩ,…
Thậm chí, quan niệm rằng chọn một trường đại học có danh tiếng, trường “top” đầu là một điều đáng lo ngại không chỉ xuất phát từ tâm lý của các bậc phụ huynh mà một số lượng khá lớn học sinh cũng có cùng suy nghĩ.
1.2. Kết quả không như mong đợi – cú vấp ngã đầu tiên
Trong thực tế, trên một đường đua, có người chạy nhanh, người đến đích sớm, người thắng cuộc, thì cũng có người chạy chậm, người phải bỏ giữa chừng, người đến đích muộn, người thua cuộc. Kỳ thi đại học cũng giống như một đường đua nhiều khó khăn, có người đỗ đại học, thì cũng có người trượt đại học.
Trượt đại học quả thực là điều khó chấp nhận với bất kỳ ai. Trong hoàn cảnh này, nhiều người phải chịu sức ép từ người thân, những người xung quanh, cuối cùng rơi vào trạng thái chán nản, tự dằn vặt mình và không dám đối mặt với sự thật. Hậu quả, lối suy nghĩ tiêu cực đó rất dễ dẫn đến sa đà vào những cuộc chơi để giải phóng tinh thần gây hậu quả nặng khó lường.
Tuy nhiên, trượt đại học không phải là điều gì đó quá đáng sợ. Nhưng nó đáng sợ, kinh khủng hay không thì phụ thuộc vào suy nghĩ của bản thân. Mặt khác, tương lai rất dài và việc không đạt được kết quả như ý trong kỳ thi đại học sẽ chỉ là một cú vấp ngã trong vô vàn khó khăn trong cuộc sống sau này.
Chấp nhận rủi ro và thành thật với bản thân đã cố gắng hết sức hay chưa? Nếu đã cố gắng hết khả năng thì không còn gì hối tiếc. Nếu chưa thì rút ra bài học cho bản thân và cố gắng nhiều hơn nữa.
2. Trượt đại học không đáng sợ
2.1. Đại học là con đường “ngắn nhất” dẫn đến thành công nhưng không phải con đường duy nhất
Trước hết, không thể phủ nhận đại học là cánh cửa mở ra một tương lai rất nhiều người mơ ước chạm đến. Đối với bản thân người thi đại học, nó là một thành tựu đầu đời. Còn đối với các bậc phụ huynh thì là niềm hãnh diện tự hào. Đồng thời, đại học là con đường rộng lớn nhất và ngắn nhất để tiến thẳng đến đích tri thức của nhân loại nhưng trượt đại học chưa phải là một sự thất bại hoàn toàn.
Tuy nhiên, con đường dẫn đến thành công không chỉ có đại học. Hơn thế nữa, thực tế đã được chứng minh, rất nhiều người trưởng thành, đạt được những thành tựu nghề nghiệp, mà không học đại học. Mặc dù không học đại học nhưng họ học từ sách vở, những người xung quanh, những người đi trước, học qua trải nghiệm bản thân, chủ động tìm kiếm kiến thức, không ngừng học hỏi, phấn đấu để tự tìm ra lối đi riêng.

Xem thêm: Thấu hiểu thân bản – Bước đệm thành công
Nhiều tấm gương trên thế giới không học đại học nhưng họ vẫn đạt được những thành tựu nhất định. Và phải kể đến: Steve Jobs- cha đẻ của hãng Apple, Michael Dell- CEO của Dell Technologies, Bill Gates ,. ..Tuy nhiên, điều đó không tự nhiên xuất hiện, đây là cả một quá trình cố gắng. Ví dụ: Bill Gates – nhà sáng lập Microsoft đã sử dụng máy tính lần đầu tiên vào năm 13 tuổi.
2.2. Cánh cửa đại học khép lại, những cánh cửa khác mở ra
“Khi một cánh cửa đóng lại, cánh cửa khác sẽ mở ra”. Kỳ thi đại học không thể quyết định được cuộc sống sau này. Một khi có sự cố gắng, thì thất bại này giống như bàn đạp, tạo động lực để vượt lên trên tất cả đến đích thành công, trượt đại học nhưng không trượt trên đường đời.
Đối mặt với hoàn cảnh này, nếu như muốn phục thù để chinh phục cánh cửa đại học đã bỏ lỡ, hãy nghỉ ngơi và tập trung ôn luyện để thi lại. Đồng thời, cũng có nhiều sự lựa chọn, cơ hội mở ra những cánh cửa khác như:
Học cao đẳng
Cao đẳng cũng là một sự lựa chọn không tồi. Hiện nay, ở Việt Nam cũng có rất nhiều trường cao đẳng chất lượng.
Học nghề
Học nghề cũng là một sự lựa chọn tốt. Tuy nhiên, cần chú ý chọn ngành nghề phù hợp với bản thân và cơ hội nghề nghiệp sau này.
Du học
Nếu điều kiện gia đình tốt thì du học là một định hướng khá ổn định. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu kỹ một ngôi trường phù hợp, trau dồi ngoại ngữ.
Xem thêm:Peer Pressure Là Gì? Làm Thế Nào Để Vượt Qua Peer Pressure Khi Bước Chân Vào Đại Học?
Như vậy, trượt đại học không hề đáng sợ như chúng ta nghĩ. Và trượt đại học không phải là một điều đáng thất vọng. Điều đáng thất vọng là bản thân không có niềm tin vào tương lai, không nỗ lực trong cuộc sống. Dù cánh cửa đại học có không may đóng lại thì hãy không ngừng tìm kiếm những cánh cửa khác. Hãy luôn học hỏi, phấn đấu để tạo ra lối đi riêng cho bản thân trên con đường thành công.