Kiến Thức Tâm Lý

Peer pressure là gì? Làm thế nào để vượt qua Peer pressure khi bước chân vào Đại học?

5/5 - (1 bình chọn)

Kết thúc ba năm cấp 3 trên ghế nhà trường, háo hức cầm giấy báo nhập học trong tay, hẳn bạn đã từng mường tượng ra một cuộc sống sinh viên đầy màu hồng tại ngôi trường đại học mà mình hằng mơ ước. Rằng sẽ phấn đấu học tập để giật học bổng, tham gia các câu lạc bộ năng động của trường,… Nhưng mà chỉ sau 1-2 tuần học đầu tiên, bạn như vỡ mộng!

Không chỉ vì kiến thức mới lạ khó nhằn, các vòng thi tuyển vào câu lạc bộ cảm tưởng khó hơn cả thi đại học mà còn vì những người bạn mới quen nơi giảng đường. Ai mà ngờ được cô bạn với mái tóc vàng óng rồi còn xỏ khuyên mũi ngồi bàn trên, suốt ngày quay xuống cười nói với mình lại từng là cựu chủ tịch câu lạc bộ hồi cấp 3, IELTS 8.0, giải Nhất Tiếng Anh Quốc gia. Và hiện còn đang aim học bổng, aim vị trí trưởng ban trong câu lạc bộ mới thi đỗ.

Bạn chợt nhận ra rằng dù mình từng là học sinh đứng top trường, nhưng bước vào đây, môi trường đại học này thì bạn chỉ là một hạt cát nhỏ bé không hơn không kém. Một áp lực vô hình đè nặng lên bạn. Bạn cảm thấy tự ti, lạc lối, không biết mình là ai giữa đám bạn bè năng động. Đó chính là khi peer pressure tìm đến bạn. Vậy Peer pressure là gì và làm thế nào để vượt qua peer pressure khi bước chân vào đại học? Hãy cùng tìm hiểu nhé!


1. Peer Pressure là gì?

Theo Wikipedia, Peer pressure hay áp lực đồng trang lứa là sự ảnh hưởng trực tiếp đến con người bởi những người đồng trang lứa hoặc tác động đến một cá nhân được khuyến khích và muốn theo kịp bạn bè của họ bằng cách thay đổi thái độ, giá trị hoặc hành vi của họ để phù hợp với những người trong nhóm hoặc cá nhân có ảnh hưởng.

Để dễ hiểu, peer pressure là áp lực đến từ những bạn bè đồng trang lứa xung quanh chúng ta. Áp lực đó thôi thúc chúng ta thay đổi để có thể hòa nhập với nhóm hoặc cá nhân đó.

Peer pressure là gì?

Như vậy, có thể hình dung ra peer pressure đã hiện hữu trong cuộc sống của mỗi con người ngay từ những ngày đầu cắp sách tới trường.

Không ít thì nhiều, hẳn ai trong chúng ta cũng đã từng bị đem ra so sánh với “con nhà người ta” – một hình mẫu của sự hoàn hảo mà cha mẹ áp đặt lên con cái:

– “Mày nhìn thằng T kia kìa, suốt ngày đứng nhất lớp. Còn mày thì suốt ngày áp chót không biết xấu hổ à?! ”

– “Ôi giời, con gái con đứa rửa hộ mẹ mấy cái bát thôi cũng kêu mệt. Mày nhìn con M nhà cô N kia kìa! Việc gì nó cũng làm hết mẹ nó có phải đụng tay đụng chân gì đâu!”

Tưởng như đi học đại học, đi làm thì sẽ thoát ra được khỏi cái hình mẫu đáng ghét đó. Nhưng không, thậm chí cái áp lực đấy còn lớn hơn rất nhiều so với khi chúng ta còn nhỏ. Bởi khi chúng ta lớn lên, sự so sánh không còn chỉ dừng lại ở điểm số mà còn là về thành tích cá nhân, công việc, gia đình, thu nhập,…

Nhiều khi ta nhìn vào cuộc sống đầy viên mãn của người khác. Ta chỉ biết tự hỏi bản thân tại sao không được tài giỏi và hạnh phúc như họ. Câu hỏi đó lặp đi lặp lại khiến chúng ta hoài nghi về chính mình, cho rằng mình vô dụng. Ngày qua ngày, ta tự khép mình lại, để cho sự tự ti, mặc cảm nhấn chìm chúng ta xuống vực thẳm của tuyệt vọng. Những cảm xúc tiêu cực cứ dồn nén lại, gặm nhấm từng chút một niềm vui sống của chúng ta. Và rồi, đẩy ta đến một kết cục đau thương nhất – sự trầm cảm.


2. Nguyên nhân dẫn đến peer pressure

Như đã nói ở trên, con người ta đã có thể phải đối mặt với peer pressure ngay từ chính gia đình của mình khi còn rất nhỏ. Việc các bậc phụ huynh đặt kỳ vọng vào con mình không có gì là sai nhưng một khi những kỳ vọng không phù hợp hoặc trở nên quá xa vời đối với các con thì nó sẽ vô tình biến thành áp lực đè nặng lên chúng. Bên cạnh đó, con cái thì luôn muốn cha mẹ tự hào về mình, về những thành tích mình đạt được nên khi cảm thấy kỳ vọng của cha mẹ đặt nặng trên vai, chúng có xu hướng cảm thấy căng thẳng hơn, lo lắng hơn rất nhiều khi gặp thất bại (điểm kém, thi trượt, công việc chưa ổn định, …) .

Xem thêm: Xin mẹ hãy hiểu cho con! 

"Con nhà người ta" - hình mẫu của sự hoàn hảo

 

Hơn nữa, với sự phát triển của truyền thông trong thời đại 4.0 hiện nay. Chúng ta lại càng dễ tiếp cận hơn với hình ảnh hào nhoáng của những con người thành công. 

Chắc hẳn chẳng còn ai lạ gì với tin tức “Học sinh nghèo vượt khó đỗ thủ khoa trường X”. Mà lại chiếu ngay trong bữa cơm tối khiến ta ăn không ngon, ngủ không yên. Hay còn có các bài viết liên quan đến việc “khoe thành tích”. Chẳng hạn như “Từ 4.5 lên 7.5 IELTS Writing, mình đã làm như thế nào?”. Bên cạnh những điều ta có thể học hỏi được từ các bài viết đó thì với sự bùng nổ của mạng xã hội ngày nay, khi những bài viết đó ngày càng xuất hiện với mật độ dày đặc hơn (dù có thể chỉ là với mục đích thương mại) khiến chúng ta khó tránh khỏi việc so sánh mà từ đó đem lại cho ta ít nhiều áp lực.

Những yếu tố nêu trên chỉ là nguyên nhân từ bên ngoài tác động phần nào gây nên áp lực cho chúng ta tùy vào từng thời điểm. Còn thực chất, peer pressure sinh ra từ trong chính nội tâm của con người. Mong muốn được hòa nhập với tập thể hay khát khao được người khác công nhận sẽ có lúc gây nên áp lực cho người ta phải thay đổi những giá trị của bản thân mình dù cho họ có muốn hay không. Với những người trẻ, mong muốn được công nhận cộng thêm sự nhận thức chưa đầy đủ về bản thân cũng như cuộc sống rất dễ khiến họ tự đặt áp lực lên mình. Điều đó có thể làm cho họ đưa ra những quyết định sai lầm, lạc lối!

 

3. Đại học khiến chúng ta peer pressure như thế nào?

Đại học là một môi trường mở, nơi quy tụ của các sinh viên trên khắp mọi miền đất nước chứ không còn là “ao làng” như trường cấp 3 của ta khi xưa nữa. Gặp và làm quen với những người bạn xa lạ là việc thường thấy khi bước vào môi trường mới. Nhưng khi biết thêm một chút về họ,  ta mới nhận ra họ đã đạt được thành tích gì, học giỏi chơi giỏi ra sao. Bên cạnh đó còn có định hướng tương lai rõ ràng khiến ta khó có thể tránh khỏi cảm giác tự ti, mặc cảm và có phần ghen tị. Ta tự hỏi bản thân rằng mình đã cố gắng nỗ lực rất nhiều… Vậy mà tại sao giữa mình và những người bạn kia vẫn còn khoảng cách xa đến như vậy…




Đại học khiến ta cảm thấy peer pressure

 

Không chỉ dừng lại ở những người ta quen biết, áp lực đồng trang lứa còn đến từ chính những bạn sinh viên cùng trường đạt được bao giải thưởng trong các cuộc thi lớn, thực tập và làm việc tại các tập đoàn đa quốc gia. Còn có những người khởi nghiệp thành công, trở thành những KOL mọi người đều biết đến.

 

Và tất cả bọn họ đều được gắn mác với ngôi trường mà chúng ta theo học. Mang tiếng cùng trường với những người tài giỏi như vậy mà ta còn chẳng bằng một góc của họ…

Điều này đã trở nên phổ biến ở đa số các trường đại học, đặc biệt là các trường thuộc top đầu như Đại học Y Hà Nội, Đại học Ngoại Thương, Đại học Bách Khoa… Một khi ta cứ để sự so sánh khập khiễng này đeo bám thì càng về sau, ta sẽ chỉ càng thêm mặc cảm về bản thân, hoang mang lạc lối trên chính con đường mình đã chọn. Và cuối cùng, sự tự ti ấy sẽ biến ta trở thành một cái bóng không hơn không kém, chỉ biết núp phía sau ánh hào quang của họ cùng danh tiếng mà ngôi trường mang lại.

Xem thêm: 15 kiểu sinh viên bạn chắc chắn sẽ gặp trong giảng đường Đại học


4. Làm thế nào để vượt qua peer pressure khi bước chân vào đại học? 

4.1. Xác định được thế mạnh của bản thân và ngừng so sánh

Trở nên hoàn hảo chắc hẳn là điều mà ai trong chúng ta đều mong muốn. Vì vậy ta luôn tìm kiếm những hình mẫu lý tưởng để có thêm động lực hoàn thiện bản thân. Điều này hoàn toàn hợp lý và đáng trân trọng, trừ khi ta bị ám ảnh bởi những hình mẫu đó, không ngừng so sánh từng khía cạnh trong cuộc sống của họ với cuộc sống của mình.

Vậy thì điều này xảy ra là do đâu? Luôn chạy theo người khác là dấu hiệu của một con người chưa có nhận thức đúng đắn về mình. Khi không xác định được thế mạnh và điểm yếu của bản thân; ta sẽ không biết mình muốn gì, mình cần cải thiện gì. Ta sẽ không thể tìm nổi lối đi riêng và làm chủ cuộc sống của mình. Do đó dẫn đến kết cục:chỉ biết chạy theo sau thành công của người khác. Và mơ tưởng rằng một ngày mình sẽ giống như họ.

Để làm chủ cuộc sống của mình thì trước hết, bạn cần phải thấu hiểu chính con người bạn. Hãy liệt kê ra những điều bạn yêu thích, điểm mạnh, điểm yếu của bạn. Từ đó, tìm ra phương hướng của riêng mình để phát triển bản thân. Bạn là một người đặc biệt, không ai giống bạn và bạn cũng không giống ai cả.

Hãy chấp nhận rằng dù mình thế nào đi nữa thì vẫn sẽ có những người giỏi hơn mình. Chấp nhận sự thật này sẽ giúp bạn nhẹ lòng hơn và có thêm năng lượng để là chính mình. Hãy trở thành phiên bản hoàn hảo nhất theo cách của riêng mình bạn nhé!

Xem thêm: Quên đi peer pressure, vì đã có Ngoại thương mà

 

Xác định được thế mạnh của bản thân và ngừng so sánh


4.2. Sống có mục tiêu rõ ràng

Hành trình nào cũng cần có điểm đến và cuộc sống nào thì cũng cần phải có mục tiêu. Không có mục tiêu, thực chất ta chỉ đang tồn tại chứ không phải đang sống. Không có mục tiêu, ta cảm thấy mất phương hướng, không biết cuộc đời mình sẽ đi về đâu. Và rồi, ta chỉ biết nhìn bạn bè lần lượt thành đạt mà ta vẫn đang giậm chân tại chỗ. Bên cạnh việc không có nhận thức đúng đắn về bản thân, thì sống không có mục tiêu cụ thể cũng dễ khiến ta bị áp lực trước thành công của người khác bởi sự so sánh và áp đặt.

Khi còn là một sinh viên – cái thời điểm con người ta nuôi nấng bao khát khao và hoài bão. Nếu bạn không có những mục tiêu cho riêng mình, khi bị bao quanh bởi những người bạn giỏi giang, chí hướng tiến thủ rõ ràng thì hẳn bạn sẽ bị choáng ngợp mà đi theo đám đông trong khi không biết liệu bản thân có thực sự phù hợp hay không!

Vì vậy, nếu không muốn để peer pressure khiến cho bạn lạc lối thì hãy thiết lập cho mình những mục tiêu ngắn hạn và dài hạn rồi lên kế hoạch hành động. Đừng quá quan tâm người khác đang làm gì hay họ đánh giá ra sao về những việc mình làm. Hãy làm điều mình thích và cho là đúng đắn, cố gắng hết mình vì đích đến đã đề ra!

Xem thêm: 5 lý do tại sao bạn phải đặt mục tiêu để trở nên thành công 


4.3. Hãy biến áp lực thành động lực

Thực chất, áp lực luôn có mặt tích cực và tiêu cực phụ thuộc cách bạn đối diện với nó. Peer pressure cũng không là ngoại lệ. Khi cảm nhận được áp lực đến từ bạn bè, bạn hoàn toàn có thể lựa chọn: hoặc là lấy đó làm động lực để phấn đấu trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình, hoặc là để bị vùi lấp bởi những sự tự ti, mặc cảm và cảm xúc tiêu cực.

Để có thể biến áp lực thành động lực không phải là một điều dễ dàng gì. Giữ được động lực ấy trong thời gian dài thì lại càng khó hơn. Khi đó, chính sự quyết tâm của bạn đóng vai trò quan trọng để vượt qua khó khăn. Mỗi khi thất bại, đừng tự trách móc và gây áp lực cho bản thân quá nhiều. Cố gắng lấy lại tinh thần, bình tĩnh phân tích vấn đề, rút ​​kinh nghiệm. Hãy để những vấp ngã đó làm hành trang , tạo động lực cho bản thân tiếp tục tiến bước.

Peer pressure là một hiện tượng phổ biến trong xã hội, thậm chí còn là “đặc sản” các trường “top”. Vì vậy khi gặp phải peer pressure, đừng quá lo lắng, hãy đối diện với nó theo một góc nhìn tích cực hơn, biến áp lực đó trở thành động lực cho bản thân mình, cố gắng hạn chế các suy nghĩ tiêu cực mà nó mang lại, rồi bạn sẽ cảm thấy mọi thứ trở nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Chúc bạn sớm tìm được lối đi riêng cho riêng mình và tận hưởng những năm tháng đại học nha!!!