Áp lực học tập là một trong những nguyên nhân dẫn đến trầm cảm
BLOG Gia Đình

SỰ KỲ VỌNG QUÁ CAO CỦA CHA MẸ LIỆU CÓ GÂY ÁP LỰC CHO CON CÁI?

Rate this post

Đối với các bậc cha mẹ, con cái luôn là tài sản quý báu và động lực để họ phấn đấu cải thiện cuộc sống. Cha mẹ luôn yêu thương, che chở và dành mọi điều tốt đẹp cho con. Sự yêu thương càng nhiều thì kỳ vọng mà họ đặt lên con cũng càng nhiều hơn. Nhưng liệu cha mẹ có biết rằng, những kỳ vọng ấy nếu vượt quá khả năng của con sẽ vô tình tạo ra áp lực cho chúng, khiến chúng đi vào trầm cảm, bế tắc.

1. Vì sao cha mẹ lại đặt kỳ vọng vào con cái?

Sự kỳ vọng của cha mẹ có thể xuất phát từ tình yêu thương: Họ yêu thương con cái vô bờ bến, không muốn con cũng phải dầm mưa dãi nắng giống như mình, họ muốn con có một tương lai tốt đẹp hơn.

Bản thân cha mẹ không hài lòng về cuộc đời của họ: Họ không làm được những điều mà mình mong muốn lúc còn trẻ nên đặt hết những mong muốn ấy cho con.

Cha mẹ giỏi ở một lĩnh vực nào đó: Tôi học giỏi môn này, lĩnh vực này, tôi có khả năng này… thì con tôi cũng phải giỏi giống tôi. Những đòi hỏi tưởng chừng như hiển nhiên ấy đã vô tình gây ra gánh nặng tâm lý cho con cái của họ.

Cha mẹ bị áp lực bên ngoài tác động: Con của anh học trường nào, thi được bao nhiêu điểm, đứng thứ mấy lớp, còn con tôi thì thế này thế kia… Cha mẹ thường đi so sánh con của mình với con người khác rồi đặt hàng ngàn câu hỏi vì sao lên con. Các bậc phụ huynh nào biết rằng những điều tưởng chừng như vô hại, giúp con có động lực học tập ấy cũng có thể khiến con trở nên tự ti và bắt đầu có những suy nghĩ tiêu cực.

Xem thêm: Con Không Muốn Trở Thành Cái Bóng Của “Con Nhà Người Ta”

2. Biểu hiện của quá kỳ vọng vào con

Liên tục nhắc nhở con học hành chăm chỉ: Cha mẹ luôn sợ con sao nhãng việc học nên nhắc nhở con học bài mọi lúc, mọi nơi. Điển hình như luôn nhắc đến chuyện học hành trong lúc ăn cơm, lúc con vui chơi, giải trí…

Quá quan tâm đến việc học của con: Cha mẹ quy định khung giờ, khoảng thời gian mà con phải học một ngày. Bên cạnh đó còn hỏi thăm bạn bè con học thế nào, có đi học thêm không, nếu có thì cũng đăng ký cho con vào những lớp mà bạn bè đang học. Ngoài ra, cha mẹ còn tham khảo các tài liệu học tập trên mạng và mua, bắt con học theo.

Không cho con làm việc nhà: Cha mẹ muốn tất cả thời gian của con chỉ để học hành nên không cho con làm việc nhà.

So sánh con với đứa trẻ khác: Nhiều cha mẹ so sánh con với con của một người quen nào đó, so sánh với chính bạn bè của con… Đặc biệt hơn là thường xuyên so sánh con với chính anh chị em trong nhà. Đây cũng là cách mà cha mẹ thể hiện sự kỳ vọng lên con cái, mong muốn con có thể giống như người bạn hay anh chị của mình.

Cha mẹ luôn đặt con mình lên bàn cân để so sánh với "con nhà người ta"
Cha mẹ luôn đặt con mình lên bàn cân để so sánh với “con nhà người ta”

Cấm đoán con có những mối quan hệ ngoài lề: Cha mẹ sợ con yêu đương quá sớm, chơi bời, giao du với những người làm suy giảm kết quả học tập của con nên cấm đoán những mối quan hệ của con.

3. Hậu quả gây ra cho con trẻ

Các bậc phụ huynh cho rằng những việc làm ấy là đang quan tâm đến con, để tốt cho con nhưng đối với con trẻ thì đây là một gánh nặng.

Trước hết, trẻ phải đối diện với sở thích không phải của mình khiến chúng cảm thấy bất lực, chán nản, mệt mỏi.

Sự so sánh của cha mẹ sẽ làm trẻ cảm thấy tự ti.

Khi bị điểm kém, không đạt được mong đợi của cha mẹ, trẻ sẽ rơi vào trạng thái hoảng sợ, lo lắng, tâm lý trở nên nhạy cảm, chỉ cần một tác động nhỏ cũng khiến chúng phản ứng lại một cách tiêu cực, lâu ngày sẽ dẫn đến trầm cảm và thậm chí là tự tử.

Khi đã sống quen với sự kiểm soát, áp đặt của cha mẹ thì trẻ sẽ dần phụ thuộc và mất đi tính tự lập. Một khi rời xa vòng tay của cha mẹ, trẻ sẽ nhanh chóng cảm thấy chơi vơi, lạc lõng, mất đi phương hướng.

Như vậy, hậu quả của áp lực tâm lý là điều mà không ai có thể lường trước được.

Xem thêm: Tại sao con cái ngày càng ít tâm sự với cha mẹ?

4. Làm thế nào để con cái không cảm thấy áp lực?

Đã là cha mẹ thì đặt kỳ vọng cho con là điều không sai. Nhưng kỳ vọng như thế nào để phù hợp với khả năng của con là điều quan trọng hơn hết.

Để con không cảm thấy áp lực, các bậc phụ huynh cần giảm bớt đi cái tôi của bản thân, thử đặt mình vào vị trí của con, tự hỏi bản thân đó có phải là điều con muốn hay chỉ là điều cha mẹ muốn.

Thay vì quan tâm đến điểm số của con một cách thái quá thì cha mẹ cần tìm hiểu xem con có sở thích gì, khả năng gì để định hướng cho con phát triển.

Những lúc con bị điểm kém thì lời động viên của cha mẹ sẽ là món quà lớn nhất, giúp con giảm bớt áp lực rất nhiều.

Thêm vào đó, hãy tôn trọng ý kiến của con, đừng ép buộc con phải theo đúng ý của cha mẹ, từ đó con sẽ tự tin, có chính kiến và lập trường hơn.

Hãy để cho con có khoảng trời của riêng mình để con có thể tự do sáng tạo, theo đuổi mơ ước và cảm thấy bản thân có ích với xã hội.

“Hãy để con được làm chính mình thay vì trở thành bản sao bất đắc dĩ của MỘT AI ĐÓ” cha mẹ nhé!!!