Con không muốn trở thành cái bóng của “con nhà người ta”
Hiện nay, trong nhiều gia đình bố mẹ đôi khi vẫn đã và đang so sánh con mình với “con nhà người ta” . Mong muốn con sẽ noi gương để hoàn thiện và phát triển bản thân nhiều hơn.
Tuy nhiên, việc làm này của bố mẹ liệu có đem lại hiệu quả hay lại tạo cho con tâm lý áp lực?
MỤC LỤC
1. “Con nhà người ta” là ai?
Hiện tại, không có một khái niệm nào chính xác hoàn toàn, vì đó chỉ là một nhân vật mơ hồ để đem ra so sánh với con. Tuy nhiên, thứ hoàn hảo nhất của tạo hóa là “con nhà người ta”.
“Con nhà người ta” có thể là bất cứ ai, đó có thể là con nhà hàng xóm, nhà bà con họ hàng, nhân vật trên tivi, trên báo và trên phim. Thậm chí là một người xa lạ nào đó mà bậc phụ huynh nghĩ ra để so sánh.
1.1. Đặc điểm “con nhà người ta”
Là một người giỏi về mọi mặt: chăm chỉ, ngoan ngoãn, học giỏi, tài năng, hiếu thảo, thậm chí là có cân nặng và chiều cao hơn con trẻ… Và là mọi thứ mà bố mẹ có thể đem ra so sánh mọi lúc mọi nơi.
1.2. Tại sao bố mẹ lại có sự so sánh?
Vô cùng khó hiểu tại sao bản thân lại bị bố mẹ đem ra so sánh trong khi con có thể làm tốt hơn “con nhà người ta”. Sự kỳ vọng của bố mẹ có quá sức và gây áp lực cho con.
Thật sự sợ hãi nếu đang trong một bữa cơm mà trên tivi có chương trình “Đường lên đỉnh Olympia”. Bố mẹ sẽ liên tục ca ngợi nhân vật trên tivi và luôn phàn nàn tại sao con mình không được như vậy.
Hoặc là cứ mỗi lần bạn lười làm việc nhà, điểm kém, ham chơi… Mà trên tivi lại xuất hiện cảnh học sinh nghèo vượt khó. Lúc ấy chỉ muốn trốn thật nhanh để tránh “bài ca vọng cổ” của bố mẹ và điệp khúc “con nhà người ta” lại xuất hiện. Chắc hẳn đó sẽ là nỗi ám ảnh của tất cả chúng ta.
Vậy, tại sao luôn có sự so sánh mọi lúc mọi nơi như thế?
Thực ra, bố mẹ luôn muốn con thật hoàn hảo, muốn bạn noi theo và phát triển tốt khi thấy những tấm gương sáng ấy. Nhưng thực ra không có “con nhà người ta” nào hoàn hảo cả. Liệu bố mẹ đã đúng khi luôn đem mọi thứ ra so sánh như vậy? Có bao giờ bố mẹ nhận ra sự nỗ lực và điểm mạnh của con, hay chỉ thấy những khuyết điểm để la mắng và lại đem ra so sánh?
Xem thêm: Kỳ vọng quá cao của cha mẹ sẽ gây áp lực cho con
1.3. Con thực sự muốn thoát khỏi “cái bóng” của “con nhà người ta”
Có bao giờ bạn mạnh dạn bày tỏ nỗi niềm của bản thân với bố mẹ chưa? Có bao giờ bạn phản hồi lại những sự so sánh của bố mẹ? Hay chỉ là im lặng và cam chịu để chiều lòng bố mẹ… Đó là nguyên nhân tại sao rất nhiều đứa trẻ không phát triển theo ý muốn.
Đứa trẻ luôn có khả năng đặc biệt ở nhiều hoạt động khác nhau. Bao gồm học tập, vui chơi, thể thao… Tuy nhiên, thông thường bố mẹ chỉ tập trung nhiều vào nhiệm vụ học tập của con. Khi nhìn đứa trẻ khác hơn con mình thì mặc định bố mẹ sẽ so sánh mà không nhận ra rằng con mình cũng có những nỗ lực nhất định.
Mong muốn thoát khỏi “cái bóng” ấy chắc hẳn ai cũng muốn. Ai cũng muốn được sống thực sự với đam mê và phù hợp với khả năng, chứ không phải là một bản sao của người khác.
2. Có bao giờ bố mẹ cảm thấy hối hận đối với con
Rất nhiều các bậc phụ huynh hiện nay luôn “vẽ” sẵn cuộc sống cho con của mình. Nhưng liệu bố mẹ đã cân nhắc kỹ lưỡng chưa, hay chỉ theo quan điểm chủ quan của người lớn. Có bao giờ bố mẹ hỏi con muốn gì và cần gì không? Có bao giờ lắng nghe và tôn trọng lời nói của con chưa? Vậy, liệu bố mẹ có hối hận nếu chính bố mẹ lại “hại” chính con của mình bằng những sự áp đặt theo ý muốn.
2.1. Những ảnh hưởng đối với con trẻ
Có rất nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc sống của con nếu không được phát triển theo đúng thực lực của mình. Sau đây là hai ảnh hưởng điển hình để các bậc phụ huynh có thể nhìn nhận và xem xét.
-
Tổn thương
Tại sao con lại tổn thương nếu bố mẹ so sánh và muốn con giống như “con nhà người ta”?
Khi sự cố gắng của con không được công nhận và bố mẹ chỉ dựa vào cái “bóng” của người khác để so sánh. Lúc ấy, con sẽ cảm thấy không được tôn trọng và nhìn nhận. Gây ra những tổn thương về mặt tâm lý, làm chậm sự phát triển của con.
-
Tự kỷ
Tự kỷ không phải là căn bệnh mới. Căn bệnh mà trẻ em có thể mắc phải từ nhẹ đến nặng. Việc bị bố mẹ so sánh và áp đặt cũng là một trong những nguyên nhân gây nên bệnh tự kỷ ở trẻ.
Khi con bị so sánh quá nhiều, sẽ cảm thấy chán ghét người mình bị sánh, bố mẹ, bạn bè. Lúc ấy con sẽ có biểu hiện ít nói và sống khép kín trong một thế giới riêng, không muốn giao tiếp ra bên ngoài vì sợ lại không bằng người khác. Con trẻ có hành vi rụt rè và sợ hãi. Bố mẹ nên chủ động trong việc dạy con để tránh trường hợp này xảy ra.
Xem thêm: Tại sao con cái ngày càng ít tâm sự với cha mẹ
2.2 Bố mẹ hãy dừng lại trước khi quá muộn
Bố mẹ luôn mặc định con mình phải chạy theo những khuôn mẫu của “con nhà người ta” để con phát triển. Đáng tiếc thay, đó lại là cuộc đua không có điểm dừng. Bởi nó chỉ đơn thuần là lòng thỏa mãn lòng tham, sự ích kỷ của người lớn mà thôi.
Có bao giờ con đòi hỏi bố mẹ phải như bố mẹ người khác chưa?
Vì vậy, bố mẹ nên dừng lại trước khi quá muộn. Đừng vì sĩ diện mà làm ảnh hưởng đến sự phát triển của con trẻ.
Hãy học cách tôn trọng để giúp con có những định hướng tốt hơn và hoàn thiện bản thân hơn. Hy vọng những chia sẻ trên đây sẽ giúp cho các bậc phụ huynh có cái nhìn khác và đồng hành cùng con trong quá trình trưởng thành.