Hội chứng khi người lớn không chịu trưởng thành
Đã khi nào bạn bắt gặp xung quanh có một số người trưởng thành về tuổi tác, ngoại hình nhưng tâm lí và cách hành xử không khác gì trẻ con chưa? Nghe có vẻ như đây là hội chứng đáng yêu giành cho những con người có tâm hồn tuổi trẻ. Nhưng những ai mắc hội chứng này sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống.
MỤC LỤC
1. Trưởng thành là gì?
Trưởng thành là khả năng thích ứng với môi trường xã hội, nhận thức được thời gian, địa điểm chính xác. Để từ đó có những cư xử đúng mực với hoàn cảnh, xã hội mà ta đang sống.
Trưởng thành không phải là một điểm đến, mà là cả một quá trình dài chúng ta trải qua và rút ra kinh nghiệm sống. Người trưởng thành sẽ có rất nhiều biểu hiện về cả ngoại hình lẫn thế giới nội tâm bên trong.
Tuy nhiên hiện nay vẫn có những người không muốn hoặc cảm thấy không thể trưởng thành. Những người có cơ thể người lớn nhưng tâm trí của một đứa trẻ. Họ không biết làm thế nào để thành người lớn hoặc chỉ muốn làm trẻ em. Tuổi tác và ngoại hình của họ vẫn trưởng thành theo thời gian, chỉ có nhận thức và cách hành xử là không khác gì trẻ con.
2. Nhận diện các biểu hiện
Một người lớn không chịu trưởng thành (hay còn gọi là hội chứng Perter Pan) sẽ thường có các biểu hiện như sau:
Họ là người thiếu tự tin, dễ tự ái và rất ghét chỉ trích. Họ cần mọi người quan tâm đến cảm xúc của mình nhưng không màng đến cảm xúc của người khác. Họ dễ nổi giận khi ai đó bày tỏ quan điểm không giống mình.
Luôn nghĩ rằng những mọi người đang nhìn và nói xấu mình. Cảm xúc quá mức bùng nổ một cách mạnh mẽ và lấn át lý trí trước khi họ kịp nhìn nhận ra vấn đề.
Những người có tính trẻ con thường không kiểm soát được lời nói, nghĩ gì nói đó. Thậm chí làm tổn thương người khác mà không nghĩ tới hậu quá, bướng bỉnh và cái tôi quá lớn.
Làm việc theo cảm tính: không biết phân bổ việc quan trọng để ưu tiên làm trước mà chỉ làm theo sở thích.
Không chịu trách nhiệm với việc mình làm và nếu có sai, họ sẽ nhanh chóng đổ lỗi cho người khác. Hơn nữa, họ không thực sự nghiêm túc khi hứa hẹn điều gì đó.
Luôn muốn mình là trung tâm của sự chú ý và sợ hãi sự cô đơn. Quan trọng hóa mong muốn cá nhân hơn là nhu cầu của người khác
Luôn tưởng tượng và suy nghĩ cuộc sống sẽ màu hồng, dễ dàng trước khi bắt tay vào làm một việc nào đó. Vì bản thân họ ghét bị ràng buộc bởi những khó khăn của người trưởng thành.
Khó thể hiện cảm xúc: Họ đã không phát triển khả năng đối phó với những thất vọng nhỏ của cuộc sống. Để bản thân khỏi bị tổn thương, họ có xu hướng thể hiện thái độ “không quan tâm”. Lâu dần có thể đánh mất cảm xúc và trở nên vô cảm.
Thường trốn tránh khi gặp vấn đề khó. Im lặng trước cuộc thảo luận, rời khỏi nhà hoặc khóa mình trong căn phòng và làm bản thân xao lãng bằng những việc khác. Khi phải đối mặt với một vấn đề mà họ không biết cách giải quyết. Đôi khi, họ nghĩ trì hoãn hoặc làm lơ thì vấn đề sẽ tự biến mất. Họ giống như đứa trẻ khi sợ hãi thường hay bịt mắt và tin rằng thứ làm chúng sợ sẽ biến mất vậy.
Thậm chí khi người khác đưa ra lời khuyên thì họ lắng nghe một cách chăm chú, họ hiểu và nghĩ nhất định sẽ làm. Nhưng khi kết thúc cuộc nói chuyện lại quay về vị trí cũ.
Ỷ lại, lười nhác, không dám thay đổi, thả trôi ước mơ… đang là những suy nghĩ và hành động của một bộ phận bạn trẻ không chịu trưởng thành. Chính từ việc “không chịu lớn” theo tuổi ấy trở thành chướng ngại vật cản bước nhiều bạn trẻ đến với thành công, và sự yếu đuối ấy cũng là “thang điểm âm” trong cái nhìn của mọi người xung quanh…
Họ cũng không thấy khó chịu bởi những điều sai trái mà họ đã làm, thay vào đó họ đổ lỗi cho những người khác vì sự yếu đuối của họ.
Xem thêm: Những nổi sợ cản trở bước tiến thành công của bạn
3. Nguyên nhân
Được bảo bọc quá nhiều: do kết quả của việc các bậc cha mẹ bảo vệ con quá mức, khiến họ khó phát triển những kỹ năng tự đối mặt với cuộc sống.
Sự cô đơn: vì sợ cô đơn. Do đó, họ sẽ liên tục tìm kiếm những người có thể chăm sóc cho họ. Thường sẽ là những đối tác có mối liên hệ về tình cảm.
Vai trò của giới tính: Phụ nữ thường bị xã hội mặc định là người đảm nhận các trách nhiệm nội trợ trong gia đình, là người làm vui lòng người khác. Việc này sẽ dễ khiến cho người đàn ông của họ bỏ bê các nhiệm vụ này và né tránh việc trưởng thành. Khi gặp một vấn đề nào đó hay vì tìm cách giải quyết triệt để, họ thường lờ đi nên sau đó hậu quả vẫn lặp lại tương tự.
Xem thêm: Thấu hiểu bản thân – Bước đệm của thành công
4. Hậu quả
4.1. Tình yêu
Trong giai đoạn đầu họ sẽ vô cùng đáng yêu và hài hước nhưng hoàn toàn vô dụng với những tình huống cần xử lý như một người lớn. Việc phải thể hiện sự trưởng thành khiến cho họ trở nên cực kỳ căng thẳng, đôi khi là xấu hổ. Nếu mối quan hệ không như họ mong đợi và kì vọng thì thường rất nhanh chán và dễ từ bỏ. Khiến bản thân họ tự tạo áp lực cho chính mình.
4.2. Cuộc sống hàng ngày
Người có lối sống trẻ con, trong cuộc sống thường dễ làm mất lòng người khác vì đôi khi họ góp ý không nghe. Và thường hay làm theo ý mình, đặt kì vọng nhiều hơn so với thực tế nên thường hay bị áp lực và hụt hững.
4.3. Công việc
Nhiều bạn trẻ thường gặp khó khăn trong việc xây dựng mối quan hệ bền chặt và thân tình với đồng nghiệp; kết quả là họ cảm thấy cực kỳ đơn độc. Điều đó cộng thêm việc không sẵn sàng trau dồi kiến thức chuyên môn thật tốt ở một lĩnh vực khiến họ khó phát triển sự nghiệp của mình. Họ có xu hướng thích việc làm ổn định, dễ dàng, không có chí tiến thủ, tránh việc khó, ngại thay đổi, đứng núi này trông núi nọ… vì thế mà nếu công việc không dậm chân tại chỗ thì cũng chẳng đâu vào đâu. Thậm chí, một số người còn không có khả năng tự kiếm việc làm.
5. Hướng khắc phục
Trước hết, chính những ông bố, bà mẹ phải thay đổi cách ứng xử với con cái; những phụ nữ trong gia đình phải bớt chiều chồng để họ có “cơ hội” trưởng thành và sống có trách nhiệm hơn.Định hướng trực tiếp cho cha mẹ bất kỳ cách phòng ngừa nào để họ nhận thức đúng về cách nuôi dạy con.
Các buổi hội thảo dành cho cha mẹ nên được tổ chức. Đặc biệt là cho các bậc cha mẹ vị thành niên để họ biết các kỹ thuật nuôi dạy con cái về tinh thần trách nhiệm.
Bản thân chúng ta phải tập thay đổi. Ra ngoài trải nghiệm và va vấp nhiều hơn. Thoát ra khỏi cái kén an toàn của gia đình. Sống mãi trong sự bao bọc không phải là cách hay, nhất là khi mỗi người sớm hay muộn cũng đều phải trưởng thành và phải tập đi trên chính đôi chân mình.
Chậm trưởng thành tức là bạn đang cố tình hời hợt trước những gì đang diễn ra xung quanh và lạc nhịp với bạn bè đồng trang lứa. Bạn có thể là người giỏi nhất khi bạn đủ tự tin và dũng khí trước các “chướng ngại vật” cản trở mình. Có một nhà văn từng nói: “Tất cả đau khổ của con người cơ bản xuất phát từ việc không có khả năng chống lại chính họ.”
Chúng ta hãy dừng việc đùn đẩy sự sợ hãi của cuộc sống sang phía cha mẹ chúng ta. Luôn lấy lí do vì hoàn cảnh khiến ta như vậy. Hãy suy nghĩ về bản thân, tự quyết định và chịu trách nhiệm về chính mình, đó là khởi đầu của việc trở thành một người lớn thực thụ.
Xem thêm: Đến bao giờ ta mới đủ trưởng thành