Bánh khúc nóng – Món quà của tuổi thơ
Người Hà Nội, ai mà chẳng có một lần được thử qua món bánh khúc nóng – thứ quà sáng mà tôi vẫn thường được nghe rao đều đều trên khắp các con hẻm ngõ phường: “Bánh khúc đây, xôi lạc bánh khúc đây, ai xôi lạc bánh khúc nào… ”. Đối với tôi, món bánh ấy không chỉ là thức quà sáng của bao người, mà nó còn gợi lại cho tôi nhiều kỷ niệm về tuổi thơ, về mẹ, về các em, về căn nhà cũ…
Cho đến tận mãi sau này khi đã trưởng thành, mùi ký ức về một quãng thời thơ ấu êm đềm, trong sáng, nơi có cả gia đình với tình yêu vô bờ bến, tôi vẫn không thể nào quên. Ngày ấy, gia đình tôi chưa chuyển hẳn về phố. Nhà tôi ở chỉ là căn nhà cấp 4 nhỏ gồm 5 gian được nhà nước cấp khi bố mẹ cưới nhau. Bố đi bộ đội, thường xuyên công tác xa nhà. Ngày nhỏ, tôi ít khi được gặp bố lắm. Vì cứ triền miên đi 6, 7 tháng bố mới về một lần. Mà mỗi lần về, là chỉ ở nhà được nhiều lắm một tuần. Thời gian cứ thế trôi. Tuổi thơ gắn liền với ông bà, với mẹ, dì và các em, với khoảng sân trước nhà, với ruộng lúa, vườn cây,…
Đợt ấy nhà còn nghèo. Lại đông người ăn. Ông bà già yếu, lại thêm bệnh đau khớp nên ở nhà đan chổi, đem ra chợ bán cho người ta. Rồi nuôi thêm mấy con gà, vài con lợn, con chó, trồng thêm luống rau để kiếm đồng ra đồng vào. Ngoài mẹ tôi, ông bà còn có thêm 3 dì nữa. Học xong cấp 3 cái, ông bà cho dì Ngân, dì Liên cùng đi làm cho công ty may của nước ngoài. Hai dì vẫn về nhà đều thường xuyên và ăn cơm cùng chúng tôi. Hai chị em trạc tuổi nhau mà cũng rất hợp tính nhau. Đi đâu về dì cũng nhớ mua quà cho bầy cháu nhỏ ở nhà. Khi thì gói bánh, quả ổi, khi chiếc vòng sứ nghe nói mua ở tiệm đá dưới huyện, khi vài mớ rau, con cá,…
Riêng dì út Thanh tôi thì vẫn còn đang đi học. Dì học lớp 11 ở trường cách nhà hơn bốn cây. Dì cũng vẫn ở với gia đình tôi. Sáng nào dì cũng dậy sớm, quét vườn tược, băm chuối cho gà, nấu cám lợn rồi mới chuẩn bị quần áo, đồ dùng đi học. Dì Thanh hay thân thiết với chúng tôi hơn cả. Một phần ở chung nhà, một phần dì cũng trạc tuổi chị em tôi. Mỗi khi không phải bận học, dì hay rủ chúng tôi ra ruộng chơi, đi câu cá, bắn chim. Tôi vẫn còn nhớ hồi đó, dì với mấy đứa cháu mải chơi kiểu gì, mà đến tận quá giờ cơm tối mới mò mặt về. Ông bà ở nhà lo, tưởng có chuyện gì. Về thì bị cả ông bà với mẹ mắng cho túi bụi mấy dì cháu.
Mọi lo toan thường nhật phần lớn vẫn là mẹ gánh vác. Mẹ làm cho công ty cao su. 2h sáng khi mà mọi người vẫn đang yên giấc, thì mẹ lục đục dậy từ lúc nào. Chuẩn bị đồ ăn sáng cho các con đi học rồi dậy đi làm. Công việc là cạo mủ cao su nên cũng vất vả nắng mưa. Tháng kiếm được cũng bấp bênh. Đôi khi không có việc, mẹ tôi lại bị cho nghỉ. Ngoài công việc đó ra, mẹ còn có 3 sào lúa để cày cấy lo cho mấy miệng ăn. Trong ký ức thơ bé, tôi vẫn còn nhớ bóng dáng tảo tần của mẹ miệt mài trên đồng ruộng. Đôi vai gầy, chiếc lưng còng xuống, đôi tay thoăn thoắt cày xới từng thửa đất phì nhiêu. Từng giọt mồ hôi rơi lấm tấm, thấm lên cả vạt áo…
Nói như vậy, nhưng tuổi thơ tôi lại vô cùng êm đềm với nhiều kỉ niệm vui. Nói như người nhà quê: “Mưa không tới mặt, nắng không tới đầu”. Tuổi thơ tôi là chuỗi ngày cùng bạn bè, các em rong ruổi đi chơi khắp mọi ngóc ngách xóm làng. Chúng tôi hay ra ruộng nướng khoai, ngô, sắn rồi bày trò chơi với nhau. Khi trốn tìm, đuổi bắt, khi mèo vờn chuột, rồng rắn lên mây. Trò bọn con trai hay chơi nhất là đá bóng với đánh trận giả. Tốp con gái thì nhảy dây, ô ăn quan lại đến chơi chắt, chuyền…
Chơi vui không đời nào kể hết. Mải chơi đến nỗi có đứa còn quên cho trâu ăn. Về nhà để trâu bụng đói, bị bố mẹ la cho trận rầm lên. Có đứa mải chơi quên luôn cả nồi cơm đang nấu củi dở ở nhà, về thì cháy đen thui thui. Riêng tôi nhớ nhất, có lần chạy vội đánh nốt ván chuyền mà quên đem theo cái Tí em mình đang khóc oai oái ở nhà. Tôi chạy về nấu nồi cơm. Đem theo cả nó. Con bé lại chạy đi vệ sinh, ra thì không thấy chị đâu nữa. Khóc um sùm lên. Giờ nghĩ lại, tôi vẫn bất giác bật cười. Tuổi thơ vụng dại làm bao nhiêu là điều ngốc nghếch. Rồi chuyện ở trường, ở nhà, ti tỉ thứ khiến một kẻ ăn mày quá khứ như tôi làm sao có thể quên…
Xem thêm: Ký ức mùa hoa phượng cuối
Tuổi thơ tôi còn gắn bó với một thứ nữa. Mà là một món ăn, bánh khúc nóng. Bánh khúc với nhiều người Hà Nội, là thức quà sáng quen thuộc, giống như bánh mỳ, phở bây giờ vậy. Bánh khúc vẫn thường được bán trong các hàng ăn sáng, trong chợ, trên xe đẩy các gánh hàng rong,… Hình ảnh quen thuộc nhất chắc vẫn là chiếc xe đạp chở đầy xôi lạc, bánh khúc với âm thanh quen thuộc của người rao bánh. Sáng nào tờ mờ 5h, tôi thấy cũng bóng dáng của người đàn ông trạc 60 tuổi, thân hình gầy gò với làn da rám nắng. Nhìn ông trái ngược hẳn với cái thúng to đùng khệ nệ đằng sau. Chiếc xe đạp cũ chắc cũng lâu lắm rồi, hằng ngày vẫn đều đặn từ ngoài đường cái đến sâu vào những con ngõ nhỏ.
Các vị khách thường đa dạng. Khi là các cô cậu học sinh xúm xít vào mua vội đi học. Lúc là cô lao công, chú xe ôm mang theo ăn đi làm. Còn có cả những ông bà cao tuổi đi tập thể dục về cũng tiện ghé mua,…
Tiếng rao của người đàn ông cứ đều đều quen thuộc: “Xôi lạc bánh khúc đây. Ai xôi lạc bánh khúc nào…” Âm thanh này cùng với tiếng loa phường mỗi sáng luôn khiến tôi da diết nhớ. Mà cảm giác rất khó diễn tả được nên lời. Tôi vẫn đang ở Hà Nội, nhưng chính tôi lại nhớ về Hà Nội. Tôi nhớ cuộc sống trước kia và tuổi thơ của tôi. Dù sao thì, tôi vẫn nhớ món bánh khúc mà mẹ tôi hay làm nhất. Nó ngon hơn bất cứ một loại cao lương mỹ vị nào trên đời. Không phải chỉ vì mẹ khéo tay làm ngon mà trong đó còn là hoài niệm.
Nhớ hồi đó chúng tôi rất mê bánh khúc, toàn đòi mẹ làm cho ăn. Cứ trận mưa qua, rau khúc mọc đầy trên ruộng, tha hồ hái. Màu xanh óng của rau khúc mơn mởn vẫn còn đọng những giọt mưa trong vắt dưới ánh nắng, đẹp không khác gì một bức tranh. Tôi và dì Thanh được phân công đi hái rau khúc. Chỉ đi một lát mà mỗi người đã hái trên tay được cả rổ đầy ắp. Trong khi mẹ, bà ở nhà lo liệu phần nếp, nặn nhân bánh. Gạo nếp và đậu xanh mẹ đã đem đi ngâm từ tối hôm trước. Phần bột làm bánh làm cũng khá kì công. Phải dùng sức của cả hai người để nhào nặn sao cho mịn, bột không bị vón, bánh mới dẻo đều. Nặn không khéo, bánh sẽ không tròn, ăn lợn cợn không ngon.
Nhân bánh được làm bằng thịt lợn, đậu xanh, tiêu, hành, nước, mắm, đường,… Thịt lợn phải chọn loại vẫn còn mới, thái nhỏ, ướp cùng tiêu, đường và nước mắm. Đem xào với hành khô đập dập phi thơm. Đậu xanh sau khi đã ngâm, đem lên chõ đồ cho mềm, rồi nghiền nhỏ. Cho đậu xanh vào thịt đang nấu, đợi khi thịt săn lại thì tắt bếp. Thế là qua phần nhân. Đợi khi nguội rồi nặn thành hình tròn be bé xinh xinh. Vừa lúc hai dì cháu về. Rau khúc đem rửa kĩ, bỏ đi lá già, rồi bắc bếp lên luộc. Khoảng 4-5 phút khi thấy rau khúc nhừ, dì vớt khúc lên, đem đi giã cối. Đoạn này phải giã thật kỹ để lấy nước cốt màu xanh tươi.
Nước cốt sau khi lấy được, đem trộn chung với phần bột nếp đã nhào. Lúc này đã thấy được thứ bột có màu xanh tự nhiên óng ánh. Rồi lại nặn, nhào bột cho đều màu. Bột nếp cán mỏng, rồi cho nhân đậu thịt vào, nặn tròn thành những cục xinh xinh. Chị em chúng tôi thích nhất phần này, cãi nhau chí chóe để tranh phần nặn bánh. Thằng Tủn sướng rơn: “Nhìn giống nặn đất nặn, chị nhờ!” Bánh khúc hay ăn vào mùa đông. Mọi người, cả bà, mẹ, dì, và các em cùng ngồi vừa nặn bánh, vừa trò chuyện cùng nhau. Ngồi cạnh bếp lửa ấm cúng, bà kể cho chị em tôi những câu chuyện của ngày xưa. Về việc đồng áng, về thời trẻ của bà, về kháng chiến,…
Mùa đông năm ấy tuy lạnh nhưng đối với tôi lại là mùa đông ấm áp nhất. Bởi ở đó có tuổi thơ của tôi, có tình thương yêu ruột thịt, có những người mà cả đời tôi sẽ không bao giờ quên. Bánh khúc cũng xuất hiện trong cả những dịp lễ tết, thắp hương tổ tiên. Ông tôi sẽ thường là người soạn mâm thờ cúng, thắp hương gia tiên cầu cho năm mới bình an. Bưng đĩa bánh khúc nóng còn nghi ngút, cẩn thận đặt lên bàn thờ, ông rưng rưng nước mắt. “Ngày xưa nghèo, các cụ thèm bánh khúc mà đâu có được ăn…” – Ông vẫn hay thường bảo như thế. Món bánh khúc tuy giản dị nhưng lại là kỉ niệm của biết bao thế hệ. Nó nhắc nhở con cháu nhớ về ông bà tổ tiên, về cội nguồn quê hương.
Xem thêm: Quê hương trong nỗi nhớ
Bây giờ tôi đã trưởng thành và khôn lớn. Bố tôi đã chuyển hẳn về công tác gần nhà. Còn mấy năm nữa thôi là ông hoàn thành xong nhiệm vụ và về hưu. Các dì giờ đây cũng đều có gia đình cả, sống ở trên thành phố. Riêng dì Thanh tôi học giỏi nhất, đang học bằng thạc sĩ bên Singapore. Hết năm sau là dì về nước. Mẹ tôi giờ chuyển sang học thêm về kế toán, không đi cạo mủ cao su nữa. Ông bà cũng đã lần lượt đi theo cùng tổ tiên. Tôi và các em thì vẫn duy trì cuộc sống đều đều như vậy. Đều đã có mái ấm riêng và cuộc sống bình yên, no đủ. Chị em tôi thay phiên nhau tuần nào cũng về với bố mẹ.
Có dịp đông đủ, mẹ lại chiêu đãi các con và bầy cháu món bánh khúc nóng hôi hổi. Trời đông rét cắt da. Nhưng món bánh khúc thơm lừng, ngào ngạt hương đồng gió nội đã sưởi ấm chúng tôi.
Có bao giờ quên được đâu cái thời nghèo khó. Món bánh dẻo thơm đã làm dấy lên niềm vui con trẻ. Món bánh chứa đựng cả tình yêu thương, sự khéo léo, quan tâm của bà, của mẹ, cũng như bao người phụ nữ Việt Nam. Chỉ cần được thưởng thức một lần thôi là nhớ mãi.
Hôm nay đi trên đường, tôi lại tạt vào chiếc xe đạp chở đầy xôi lạc bánh khúc. Thời gian cũng đã hơn 20 năm. Người đàn ông bán bánh khúc năm xưa chắc cũng không còn nữa. Thay ông là một chị hơn tuổi tôi, khuôn mặt rạng rỡ. Chị tươi cười đưa gói bánh cho tôi. Chiếc xe đạp lại đi…
Tôi luôn tin rằng, những chiếc xe đạp chở đầy bánh khúc sẽ vẫn còn mãi. Sẽ vẫn còn đi khắp các con hẻm phố phường. “Bánh khúc đây. Ai xôi lạc bánh khúc đây…”