Nhớ những kỉ niệm tuổi thơ
Tâm Sự & Tình Cảm TẢN VĂN

Tôi nhớ “tôi của ngày xưa”

4.9/5 - (9 bình chọn)

Lạ thật. Người ta vẫn thường hay nói: Khi còn nhỏ, chúng ta ước muốn được lớn thật nhanh, để được làm người lớn, được tự do làm điều mình yêu thích. Nhưng khi đã trưởng thành rồi, ai cũng muốn ngoảnh lại nhìn về ký ức thuở bé thơ, muốn được thu gọn lại trong vòng tay của cha, được chở che trong căn nhà nhỏ ba gian cấp bốn… Thực ra, không phải vì ước mơ lớn lên của con người thay đổi, mà là vì hình như chúng ta đều đã lớn. Những cô cậu bé năm nào giờ đây đều đã khác xưa. Chỉ là ký ức về những thước phim tuổi thơ cất gọn ở đâu đó, thi thoảng khiến chúng ta nuối tiếc mỗi khi nhớ về…

Đôi lúc chẳng vì dịp gì, tự nhiên bần thần nghĩ về ngày xưa vậy đó. Nhớ khi còn bé tí, vẫn còn đi học mẫu giáo, mẹ đưa đến cửa lớp lại khóc tu tu đòi về. Nhớ khi chìa tay bạn xin miếng kẹo chip chip, bạn hổng cho, lại giận dỗi, “cắt xít” suốt cả một tuần. Rồi bỗng dưng lại nhớ cả chuyện mẹ mình ngày xưa vất vả thế nào để lôi dậy đi học trong cái tiết thời mùa đông rét cắt da. Con thì gật gù, mẹ thì kiên nhẫn xúc cho từng thìa cháo. Đến nỗi mẹ muộn làm, đi vội thế nào để bị té xe. Mới thấy thương mẹ biết nhường nào.

Lại nhớ về những kỉ niệm với bạn bè thời ấu thơ. Mẫu giáo chơi thân nhất với Dung, với Linh Thỏ. Lên lớp 1, mỗi đứa một trường, lại quen thân với Anh Thư, với Ly mập, với chị Hằng,… Đi học để chờ ra chơi nhảy dây, cá sấu lên bờ là chính; còn để giành giải viết chữ đẹp là phụ. Nhớ hôm xin được mấy nghìn của mẹ. Ra cổng trường mua nào ô mai, que cay, sữa chua túi, kẹo dẻo bao cả hội. Còn nghĩ rằng các bạn bình thường toàn hào phóng bao mình rồi, nay nhất định phải chiêu đãi chúng nó một bữa no nê. Tuổi thơ gắn liền với bao trò nghịch dại ngốc nghếch, vừa thấy buồn cười vừa thấy nhớ.

Ở trường chơi bời chưa đủ, về nhà còn gia nhập thêm hội “giang hồ” chuyên đi phá làng phá xóm. Nói oai vậy, nhưng thực ra cũng chỉ là mấy đứa trẻ con hàng xóm hiền lành đáng yêu nhất quả đất này. Chỉ là thi thoảng đang ăn cơm thì hàng xóm chạy sang méc bố mẹ, rằng chúng nó ban chiều vừa mới thi đạp xe thả hai tay lao dốc. Rồi hôm nọ trêu đàn chó nhà mới đẻ khiến cả đàn đuổi chạy thục mạng, còn sủa inh ỏi mất cả giấc bữa trưa. Chiến tích không có gì đặc biệt ngoài 1 thanh niên ngã xoạc rách hai bên đầu gối; 1 tên chân ngắn bị một chú cún “xin tạm” 1 cú đớp nghe bảo là “cũng không nhằm nhò gì!”. Khi lại trốn vào trại quân đội đu xà, hái trộm nhãn mãi mặt trời lặn mới chịu về. Ăn “tẩn” cũng nhiều, mà hôm sau vẫn tót đi chơi đến quá bữa cơm tối. Rồi lại một vòng tròn xin lỗi, hứa hẹn, tiếp tục tái phạm, rồi lại xin lỗi,…

Xem thêm: Viết cho người bạn cũ từng thân

Nhớ những kỉ niệm tuổi thơ

Lên cấp II, đã trở thành “người nhớn” hơn một tí rồi. Nên không còn thích mấy trò nghịch ngợm lấm lem quần áo nữa. Lúc này lại học theo mấy bạn nữ trong lớp biết điệu đà hơn một tí, nhưng vẫn còn “quê” lắm! Từ lớp 6 lên tận lớp 9, sở thích duy nhất mãi không thay đổi, là sưu tầm báo hoa, cắt ảnh idol Hàn Quốc rồi dán khắp phòng. Sẵn sàng nhịn ăn sáng, lấy tiền tiết kiệm mẹ cho, mua về cả đống poster, vòng vèo, quần áo in hình idol. Giờ nghĩ lại vẫn khiếp lên được. Kỉ niệm hồi đó còn là những buổi học giấu cuốn truyện tranh đọc lén dưới ngăn bàn. Là buổi sinh hoạt cả nhóm bị phạt cọ sân trường, là cảm giác thích thầm một bạn trai học chung khối…

Tất cả đều đã trở thành kỉ niệm, mãi mãi chỉ nhìn lại được trong những giấc mơ. Những giấc mơ mà có lẽ chỉ muốn đắm chìm vào nó sâu thật sâu, lâu thật lâu…

Cấp III. Thoáng cái lại trôi qua. Người ta nói, 3 năm cấp III nhanh như một cái chớp mắt. Ban đầu không tin, cứ nghĩ người ta cứ làm quá lên. Một năm có ba trăm sáu lăm ngày, nhân 3 lên là những tận một nghìn không trăm chín lăm ngày! Làm gì có cái chớp mắt nào lâu đến thế!  

Nhưng rồi mới thấy. Thời gian thì vô tình chạy, còn chúng ta mãi mãi chẳng còn là những đứa trẻ vô lo vô nghĩ. Ước gì còn được ngồi trên lớp học ấy, chỗ ngồi ấy. Mở mắt ra vẫn là cô bạn cùng bàn đang say sưa giải bài tập. Ước gì sân trường ấy vẫn là bóng dáng cao lớn của cậu, với nụ cười thật tươi khi ném trúng trái bóng vào rổ trước sự tung hô của tất cả mọi người. Và ước được quay trở lại những lần ăn vội miếng bánh mỳ còn nóng hổi trong canteen trường cho kịp giờ học; những lần bị thầy hiệu phó cốc đầu vì “gặp thầy không chào”; những lần đi cổ vũ đá bóng cho bọn con trai trong lớp,… 

Cuối cùng, thứ giết chết chúng ta chính là kỉ niệm

Ngày bế giảng năm ấy không rơi một giọt nước mắt nào, vì thâm tâm không tin rằng sắp phải ra trường. Mãi sau này cô đơn một mình trong căn phòng trọ, giữa lòng Hà Nội tấp nập người qua, trong nỗi nhớ của đứa con xa quê, mới thấy mình không còn bé bỏng nữa rồi. Phải tự lập, mạnh mẽ, phải tự lau nước mắt đi thôi. Chỉ là, đến cuối cùng, thứ giết chết chúng ta không gì khác ngoài kỉ niệm ấu thơ lớn lên cùng năm tháng. 

Xem thêm: Hạnh phúc của sự cô đơn

Hôm nay buồn. Thời tiết bên ngoài còn mưa lạnh. Bỗng dưng lại nghĩ vu vơ nên vội ghi tạm những dòng tâm tư vậy đó. Tôi nhớ “tôi của ngày xưa” nhưng vẫn cầu mong sau này bản thân đủ mạnh mẽ, đủ kiên cường để vượt qua mọi khó khăn phía trước. Cái giá của sự trưởng thành đắt lắm phải không tôi?