Tư duy phản biện – Kỹ năng cần thiết sinh viên nên trang bị cho bản thân
Nguồn gốc của thuật ngữ “Tư duy phản biện” hay “Critical Thinking” xuất phát từ tư tưởng của Phương Tây đó là phương pháp tư duy theo lối Socrat của người Hy Lạp cổ. Thuật ngữ này cũng có trong kinh Phật, chủ yếu là kinh Vệ-đà của phương Đông.
Tư duy phản biện là quá trình tư duy nhằm mục đích kiểm chức hay chất vấn về một vấn đề, giả định, giả thiết được đặt ra. Quá trình này để khẳng định rằng một nhận định đúng hay một nhận định sai. Mục tiêu là nhằm tìm kiếm sự thật, xác định kiến thức dựa trên thực tiễn, đánh giá lý lẽ và lập luận logic. Kỹ năng này là một thành tố quan trọng trong mọi lĩnh vực, mọi ngành nghề. Đặc biệt, trong giáo dục thì kỹ năng này ngày càng có tầm ảnh hưởng quan trọng đối với sinh viên.
MỤC LỤC
1. Tư duy phản biện là gì?
Có nhiều định nghĩa khác nhau về tư duy phản biện (critical thinking). Người cho rằng đó là khả năng phản chiếu và suy nghĩ hay tư duy một cách độc lập. Ý kiến khác thì cho rằng đó là khả năng nhận diện thông tin giả. Như vậy, tư duy phản biện là khả năng chủ động suy nghĩ và giải quyết vấn đề.
Tư duy phản biện không chỉ đơn thuần là đưa ra ý kiến phản biện hay ý kiến chống đối, tiêu cực. Đó là khả năng hiểu được bản chất vấn đề, tình huống đang xảy ra. Bằng góc nhìn khách quan để tiếp cận, phân tích và đánh giá thay vì chấp nhận nó như một điều hiển nhiên.
Nếu thiếu tư duy phản biện, suy nghĩ sẽ luôn đi theo lối mòn dập khuôn và không hiểu bản chất vấn đề. Từ đó, làm mất đi tư duy sáng tạo.
2. Tại sao sinh viên cần trang bị tư duy phản biện ?
Hiện nay, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, đòi hỏi những người có năng lực tư duy tốt để thích ứng và giải quyết những vấn đề mới của thời đại. Vì vậy, sinh viên cần có tư duy phản biện tốt. Kỹ năng này giúp sinh viên chủ động tiếp thu kiến thức, biết chọn lọc thông tin, đánh giá các quan điểm một cách logic và có căn cứ.

Sinh viên cần có tư duy phản biện trước hết để tự do bày tỏ quan điểm của bản thân. Đồng thời, đó cũng là một yếu tố rèn giũa sinh viên vào khuôn khổ kỷ luật và học tập nghiêm túc. Khi đã nắm được kiến thức, biết áp dụng thực tế, đặt nó dưới góc nhìn đa chiều.
Nếu như sinh viên không có tư duy phản biện, thì sẽ dẫn đến lúng túng trong những tình huống cần phản biện hoặc phản biện không đúng cách, thậm chí nói bừa. Nếu như phản biện không đúng cách thì mọi lập luận sẽ trở thành ngụy biện. Và tất nhiên, không có gì tồi tệ hơn một lập luận ngụy biện.
3. Tầm quan trọng của việc phát triển tư duy phản biện đối với sinh viên
3.1. Nắm vững kiến thức chuyên môn
Tư duy là nền tảng của tri thức. Tư duy phản biện giúp sinh viên nắm vững kiến thức chuyên môn. Giúp hiểu rõ giá trị cốt lõi, nguyên tắc và bản chất của vấn đề. Nắm vững kiến thức, vận dụng được những kiến thức đã học để đưa ra quan điểm chất vấn.
3.2. Rèn luyện độc lập và tư duy mở
Một sinh viên có tư duy phản biện sẽ biết chủ động suy nghĩ. Nhờ đó, giúp sinh viên rèn luyện tư duy độc lập, tư duy mở. Từ đó mở ra những tri thức mới. Đồng thời, biết tiếp thu lập luận hay ý tưởng khác nhau và sẵn sàng cân nhắc, xem xét những ý kiến khác.
3.3. Phát hiện, phân tích và giải quyết tình huống, mâu thuẫn
Tư duy phản biện giúp sinh viên nhận ra, phát hiện ra vấn đề. Đưa ra được những lập luận, lí lẽ dựa trên thực tiễn, đưa ra được những thông tin có căn cứ và logic để phân tích rõ ràng tình huống.

Từ đó, giải quyết vấn đề đang xảy ra bằng cách phản biện thông qua việc đưa ra quan điểm hoặc ý kiến dựa trên những lập luận đã phân tích.
3.4. Suy nghĩ tích cực, đa chiều, lắng nghe và tôn trọng ý kiến khác
Tư duy phản biện giúp sinh viên có góc nhìn khách quan. Giúp nhìn nhận một vấn đề dựa trên nhiều yếu tố, có cái nhìn đa chiều. Suy nghĩ tích cực, biết lắng nghe tôn trọng những ý kiến và quan điểm khác. Giúp sinh viên đánh giá vấn đề một cách có hệ thống chứ không phải bằng trực giác hay bản năng.
3.5. Lựa chọn thông tin cần thiết, tin cậy
Tư duy phản biện giúp sinh viên hiểu rõ một nhận định đúng, một nhận định sai. Bằng cách tư duy, suy luận để biết kết luận thông tin nào là chính xác hoặc thông tin nào là sai sự thật. Từ đó, lựa chọn được thông tin thực sự cần thiết và đáng tin cậy để tiếp thu.
4. Năm kỹ năng rèn luyện tư duy phản biện dành cho sinh viên
4.1. Thói quen đặt câu hỏi
Cần phải rèn luyện thói quen mạnh dạn đặt câu hỏi. Tự đặt vấn đề bằng cách tự suy ngẫm từ những việc đơn giản, gần gũi nhất. Không biết thì phải thắc mắc, phải nghi vấn để đặt câu hỏi thì mới tìm được câu trả lời. Chỉ khi đặt câu hỏi thì chúng ta mới tìm ra cách phân tích và tìm giải pháp.
4.2. Đánh giá mọi việc khách quan
Mạnh dạn đưa ra quan điểm tranh luận và phải biết chấp nhận lập luận của người khác nếu họ đúng. Cần đánh giá mọi việc khách quan. Không nên giải quyết vấn đề theo cảm tính, bản năng hoặc chủ quan. Nên đánh giá ở nhiều khía cạnh, đa chiều. Từ đó, sẽ có được những lập luận thuyết phục và sắc bén.
4.3. Dự phòng nhiều phương án
Phải biết nhìn xa, có nhiều kế hoạch dự phòng trong những tình huống bất ngờ. Đừng chỉ dự tính những phương án chỉ đối phó được những tình huống trước mắt. Cần có cái nhìn xa hơn, suy nghĩ sâu sắc hơn về sự việc trong tương lai.
4.4. Lập luận dựa trên thực tiễn và logic
Khi phản biện, đưa ra quan điểm, chắc chắn sẽ có những ý kiến trái chiều hoặc đồng quan điểm. Tuy nhiên, không nên chấp nhận ngay ý kiến của người khác mà chưa suy nghĩ, phân tích. Cần tư duy, kiểm chứng với thực tiễn trước khi đồng ý những kết luận của người khác. Phản biện cần dựa trên dẫn chứng cụ thể, số liệu có căn cứ.
4.5. Rèn luyện kỹ năng giao tiếp
Để trở thành một người có tư duy phản biện tốt hãy rèn luyện kỹ năng giao tiếp. Không chỉ giúp bạn tự tin hơn khi phản biện, mà còn giúp bạn giao tiếp với người khác. Đặc biệt, là giao tiếp với những người giỏi hơn bạn. Điều này sẽ giúp bạn học hỏi thêm nhiều bài học quý báu để cải thiện để phát triển kỹ năng của mình.
Xem thêm: 5 kỹ năng giao tiếp tại nơi làm việc hiệu quả cho GenZ
Như vậy, tư duy phản biện chính là chìa khóa để giúp sinh viên học tập hiệu quả hơn. Mọi sinh viên đều phải dùng cái đầu của chính mình để tư duy, tự mình kiến tạo nên tri thức vun đắp cho bộ não. Đồng thời, cần phải rèn luyện phát triển nó để có thể tự làm chủ chính mình, tự làm chủ được những khái niệm cốt lõi và nguyên tắc của sự vật, sự việc.