BLOG Đời Sống Kiến Thức

TRÁI NGÀNH BƯỚC ĐỘT PHÁ HAY RÀO CẢN THÀNH CÔNG?

5/5 - (1 bình chọn)

Làm việc trái ngành dường như không còn là điều quá xa lạ với thế hệ trẻ hiện nay khi có đến 60% sinh viên tốt nghiệp quyết định rẽ hướng. Họ chấp nhận bỏ lại bốn năm kiến thức để dấn thân vào một con đường, một ngành nghề mới.

Dẫu biết lối đi phía trước là một vùng trời kiến thức mới mẻ, là sự trăn trở về thành công và sự nghiệp nhưng các bạn sau đại học vẫn sẵn sàng đối đầu thách thức gấp bội lần để  lựa chọn con đường ấy. Vậy nguyên nhân nào mà sinh viên và người trẻ lại xác định như vậy ?

1. Nguyên nhân sinh viên hiện nay quyết định trái ngành

1.1.Thiếu định hướng- Thừa hoang mang

Anthony Robbins từng nói: “ Vào thời khắc bạn đưa ra quyết định, đó là lúc số phận bạn được định hình”. Và đúng như vậy, thời khắc các bạn đưa ra quyết định chọn ngành để gắn bó trong những năm tháng đại học là bước chuyển quan trọng trong chính cuộc đời các bạn.

Mặc dù vậy, quyết định ấy vẫn chưa được suy xét kỹ càng hoặc trải qua quá trình định hướng rõ ràng và chi tiết. Trong suốt quá trình đó, cơ hội tiếp xúc và quan sát trực tiếp với các ngành nghề đối với các bạn vẫn chưa thực sự đủ và đúng. Những trải nghiệm thực tiễn và cọ xát với ngành nghề lựa chọn vẫn là con số quá ít để người trẻ có thể bám vào đó mà cân nhắc cho các quyết định chọn ngành.

Điều này đã khiến thế hệ trẻ không biết thực sự bản thân muốn gì và làm gì. Các bạn rơi vào vòng xoáy hoang mang về lựa chọn bản thân.  Và các bạn tự hỏi liệu rằng điều ấy có đúng hay là sai. Cuối cùng, quyết định tưởng chừng phải đắn đo và thận trọng lại trở thành cuộc chạy deadline tốt nghiệp, để tạm thời bước một chân an toàn vào cánh cửa trường đại học. Và hệ lụy của sự  mất định hướng ấy là sau bốn năm đại học thì các bạn nhận ra mình không hợp với ngành. Cuối cùng, con đường trái ngành lại là hướng đi các bạn phải chọn.

 

hoang mang định hướng nghề nghiệp

Xem thêm: Bí quyết giúp bạn chọn ngành nghề phù hợp với bản thân

1.2.Thực trạng kinh tế biến động

Trong bối cảnh thị trường kinh tế phát triển theo chiều hướng đa lĩnh vực, việc thành thạo một chuyên môn nhất định sẽ chuyển đổi thành giỏi và biết nhiều chuyên ngành liên quan.

Vì thế nhiều người trẻ chủ động xin việc trái ngành như một nghề tay trái. Với cách thức này, các bạn sinh viên không những đáp ứng đúng nhu cầu mà với thị trường bấy giờ mà còn tạo điều kiện cho sinh viên bổ trợ và phát triển cho qua lại cho các ngành họ đang làm.

Không những thế, quyết định ấy của sinh viên còn tác động bởi thị trường lao động, nhất là trong xu thế dịch COVID hiện nay. Trong khi sự đào thải lao động đang diễn ra mạnh mẽ ở một số ngành thì các ngành khác đang có nhu cầu lao động tăng cao.

Chính việc này đã khiến cho cán cân nhu cầu lao động chênh lệch cũng như thúc đẩy quá trình xin việc trái ngành tăng cao. Khi đó, quyết định này không còn là do yếu tố bản thân tác động. Thực trạng lúc này chịu sự ảnh hưởng của môi trường, bắt buộc các bạn phải thay đổi để thích nghi.

2. Cơ hội tiềm năng từ làm việc trái ngành

2.1. Đòn bẩy đánh thức khả năng bản thân

Thay vì loay hoay đợi chờ công việc đúng ngành sau đại học mà ngay cả bạn còn hoang mang không biết là mình có thực sự hợp hay không thì tại sao lại không thử trải nghiệm với nhiều ngành nghề mới? Chính suy nghĩ ấy sẽ đem đến cho sinh viên môi trường thực tiễn với những cơ hội học hỏi. Và hơn thế là cơ hội thử sức với nhiều lĩnh vực khác nhau.

Chính việc cọ xát đủ nhiều và đa dạng ngành nghề sẽ tạo tiền đề cho sinh viên tìm ra sở trường và định hướng đúng đắn công việc sau này. Và nhờ vào đó, bạn nhận ra con đường nào là phù hợp : Công việc đúng ngành sau đại học hay môi trường trái ngành bạn đang tiếp xúc.

Và có thể các bạn sẽ còn tìm thấy tiềm năng ẩn giấu bấy lâu nay mà chỉ khi làm đúng việc yêu thích thì khả năng ấy mới trỗi dậy, thúc đẩy bạn sống và dám theo đuổi đam mê. Không thử, không dám theo đuổi thì làm sao biết đâu là hợp hay không hợp.

Chỉ khi bạn dám bước qua vùng an toàn của chính bạn thì cơ hội tìm kiếm khả năng và hướng đi phù hợp cho chính mình mới bước đến và gõ cửa. Hãy bắt đầu ngay với vai trò thực tập để tìm xem khả năng thực sự nơi bạn.

2.2. Phát triển kỹ năng trau dồi kinh nghiệm

Môi trường làm việc mới sẽ cho các bạn sinh viên học tập rất nhiều kỹ năng cứng và kỹ năng mềm cần thiết trong mọi tình huống cuộc sống. Những kỹ năng này sẽ giúp các bạn trẻ thích nghi và xử lý linh hoạt với mọi vấn đề hằng ngày diễn ra.

Đôi khi những kỹ năng ấy chính là chìa khóa để bạn mở rộng mối quan hệ. Và tuyệt vời hơn nữa là đem đến nhiều cơ hội khác trong sự nghiệp sau này. Sau đây là một vài kỹ năng mà các bạn sinh viên nên có để có thể làm mạnh hồ sơ bản thân khi xin việc trái ngành: kỹ năng quản lý thời gian , kỹ năng làm việc nhóm,….

thực tập khám phá bản thân khi trái ngành

3. Những thách thức phía trước

3.1. Sự cạnh tranh ngành nghề khốc liệt

Khi phải đưa ra lựa chọn giữa ứng viên đúng ngành có kinh nghiệm và những ứng viên còn lại trái ngành chưa qua đào tạo thì nhà tuyển dụng thường có xu hướng ưu tiên những bạn có sẵn kinh nghiệm.

Việc này nhằm giảm chi phí cũng như thời gian đào tạo. Đồng nghĩa là tỷ lệ thành công của bạn cũng sẽ giảm đáng kể.

Tuy nhiên, tỷ lệ thành công giảm nhưng không có nghĩa là không có. Thay vì chán nản và lại từ bỏ nhảy ngành thì hãy tìm kiếm những cơ hội thực tập để trải nghiệm công việc và tích lũy kinh nghiệm. Chính nhờ vào kinh nghiệm ấy sẽ tạo tiền đề bạn xây dựng thương hiệu bản thân ngay bây giờ.

Hãy bắt đầu từ những điều nhỏ ấy ngay bay giờ,  tại sao không? Bạn sẽ bất ngờ vì những yếu tố nhỏ ấy lại hóa ra là điểm mấu chốt trong việc đánh bật ải thử thách này và tăng tỷ lệ đậu của các bạn.

3.2. Phá bỏ sự tự ti

Đây cũng chính là rào cản lớn nhất mà các bạn bắt đầu trái ngành phải đối mặt và mạnh mẽ vượt qua: sự tự ti ngự trị trong tiềm thức.

Ngoại trừ xuất phát điểm trong đường chạy thụt lùi hơn so với các bạn đã đi đúng hướng từ ban đầu, các bạn sinh viên còn phải chấp nhận học lại từ con số 0. Đồng nghĩa là chấp nhận rằng bản thân cần nỗ lực và chăm chỉ 200% sức lực để có thể bước tiến nhỏ nhất . Và dần dần bạn mới tìm thấy chỗ đứng trong ngành.

Khi bước vào giai đoạn này, sự tự ti sẽ chiếm lấy bạn và sẵn sàng đánh gục nghị lực nơi bạn bằng những sự thất bại đầu tiên, bằng sự so sánh với những người thành công trong ngành. Bạn có nhận ra không , nó dần dần nuốt chửng bạn và bắt buộc bạn lại một lần nữa chọn từ bỏ ngành.

Giai đoạn này đòi hỏi sự phấn đấu và sự bền bỉ đến từ các bạn. Bạn dám nếm trải cái vị đắng chát từ thách thức đầu đường đua thì đường đời mới mở ra cơ hội. Và nhấn mạnh rằng chỉ có bạn và duy nhất bạn mới có thể cứu lấy chính mình.

4. Vậy sinh viên có nên làm việc trái ngành sau đại học?

Trước khi xem xét việc chuyển ngành hay tiếp tục hướng đi ban đầu, bạn hãy tự trả lời bản thân câu hỏi sau đây:

Đầu tiên, bạn có thực sự có đủ đam mê và năng lực để tiếp tục công việc này không? Để trả lời câu hỏi này, bạn cần phải tự xem xét lại chính mình và quá trình bốn năm bạn dành ra để học ngành, đồng thời dựa trên nhận xét khách quan từ mọi người xung quanh về tiềm năng  nơi bạn để đưa ra câu trả lời cuối cùng.

Thứ hai, ngành nghề bạn chọn như thế nào trong bối cảnh thị trường lao động hiện nay? Sự thật đắng lòng rằng bạn không thể nào sống chỉ vì đam mê mà cần có yếu tố vật chất song song. Bạn cũng nên thực tế nhìn nhận tiềm năng ngành nghề mình chọn giữa thời đại hiện nay để không  phải mất định hướng quá lâu.

 

bạn trái ngành, hãy lắng nghe bản thân

Cuối cùng, mục tiêu sự nghiệp đề ra của bạn là gì? Liệu con đường nào thì bạn mới giúp bạn đạt được nó?  Và bản thân có đủ sẵn sàng bắt đầu lại hay chỉ đủ sức để chạy tiếp quãng đường định sẵn ?

Tóm lại, cánh cửa đại học mở ra là để tạo cho bạn nền tảng thích nghi với cuộc sống và tập làm quen với vài kỹ năng cần có trong môi trường sau đại học. Còn quyết định tương lai sau này vẫn là do bạn.

Vậy thì cứ bước đi thôi. Trời ngày mai rồi cũng sẽ sáng.