Thực tập là gì Kinh nghiệm thực tập cho sinh viên năm cuối
BLOG Kiến Thức

Thực tập là gì? Kinh nghiệm thực tập cho sinh viên năm cuối

5/5 - (1 bình chọn)

Thực tập là khoảng thời gian quan trọng đối với các bạn sinh viên năm cuối. Nhiều bạn không tránh khỏi những lo lắng, hồi hộp và thiếu kiến thức trong các vấn đề thực tập. Bài viết sau đây sẽ cho bạn thêm kiến thức về thực tập và chia sẻ cho các bạn một số kinh nghiệm “dắt túi” để các bạn hoàn thành tốt đợt thực tập của mình.

1. Thực tập là gì?

Chắc hẳn, nếu bạn là sinh viên thì ít nhiều bạn cũng đã từng nghe đến thực tập. Thực tập là thời gian các bạn làm việc ngắn hạn tại một công ty/ doanh nghiệp nào đó. Tại đây các bạn sẽ được doanh nghiệp đào tạo, cầm tay chỉ việc, để các bạn làm quen với các công việc liên quan đến chuyên ngành các bạn sẽ làm sau này.

Thực tập được chia làm hai loại là thực tập có lương và không lương, tùy vào nơi mà bạn đang thực tập. Có những công ty chỉ hỗ trợ phụ cấp cho các bạn như là phụ cấp xăng xe, ăn trưa,…Hãy xác định rõ mục đích thực tập là giai đoạn để chúng ta học hỏi, cọ xát với môi trường bên ngoài, có thêm kinh nghiệm phục vụ cho công việc sau này. Vì vậy, dù có lương hay không có lương thì đừng quên luôn nỗ lực và cống hiến cho công ty nhé. Đây là khoảng thời gian vô cùng hữu ích đối với các bạn thực tập sinh. Các bạn có thể áp dụng những kiến thức đã tích lũy trên giảng đường đại học để áp dụng vào khoảng thời gian đi thực tập như thế này.



2. Tại sao phải đi thực tập

Thực tập được xem là môn học trong chương trình đào tạo của bạn. Vì thế các bạn phải hoàn thành cho mình đợt thực tập kéo dài trong ba tháng và viết báo cáo thực tập. Sau đó, xin dấu xác nhận của doanh nghiệp là bạn đã thực tập tại đây, thì mới hoàn thành xong đợt thực tập của mình.

Thực tập là bước đệm để các bạn dễ dàng hình dung công việc mình sẽ làm sau này. Trong quá trình thực tập tốt, có thể các bạn sẽ được giữ lại công ty hay có ý định gắn bó với công ty lâu dài, tiết kiệm được sức lực và thời gian để đi tìm một công ty mới sau khi đã hoàn thành xong thời gian thực tập.

3. Kinh nghiệm thực tập cho sinh viên năm cuối

3.1. Tìm hiểu, lựa chọn công ty/ doanh nghiệp

Đầu tiên các bạn phải xác định mình muốn thực tập về chuyên ngành gì, mảng nào mình muốn theo đuổi trong chuyên ngành đó.

Tiếp theo, các bạn sẽ tìm các công ty đang tuyển thực tập phù hợp với chuyên ngành, mảng mà mình đang theo đuổi. Tìm hiểu về thông tin công ty đó có xác thực không, có rõ ràng, có uy tín không. Tránh xa các công ty bắt đóng tiền hay cọc tiền vì rất dễ bị lừa đảo và “tiền mất tật mang”.

Thực tập là gì Kinh nghiệm thực tập cho sinh viên năm cuối



Vậy thì nên tìm công ty/ doanh nghiệp thực tập ở đâu?

Thời buổi công nghệ tiên tiến, cũng không khó để các bạn tìm kiếm cho mình một công ty phù hợp. Các bạn có thể tìm kiếm trên google, các website TopCV, Ybox.vn, 123Job. Hoặc tìm kiếm trên các trang mạng xã hội như Facebook, Instagram. Twitter, Linkedin.

3.2.  Viết Cv, portfolio để apply thực tập

Sau khi đã tìm cho mình một “bến đỗ” tại doanh nghiệp hay công ty nào đó. Việc tiếp theo bạn sẽ làm là chuẩn bị cho mình một CV, portfolio (nếu có) thật chuyên nghiệp để tạo ấn tượng cho nhà tuyển dụng.

Bản Cv vô cùng quan trọng, vì qua chiếc Cv nhà tuyển dụng sẽ biết được bạn là ai. Thế nên, bạn cần trình bày CV rõ ràng, mạch lạc, thể hiện được nét tính cách, cá tính của mình trong CV. Sử dụng màu sắc của công ty để làm Cv sẽ là một điểm cộng cho bạn. Ngoài ra cần phô những điểm mạnh của bản thân, những hoạt động mình từng tham gia, kinh nghiệm làm việc…

3.3. Phỏng vấn

Nếu Cv bạn được duyệt, nhà tuyển dụng sẽ hẹn lịch để bạn phỏng vấn. Trước khi đến phỏng vấn thì các bạn nên tìm hiểu kĩ về doanh nghiệp. Nhà tuyển dụng sẽ đánh giá các bạn qua những câu hỏi về doanh nghiệp. Để xem độ đầu tư và quan tâm của bạn về doanh nghiệp của họ.

Ngoài ra cũng cần chuẩn bị thêm các kiến thức liên quan đến chuyên ngành bạn thực tập. Chuẩn bị các câu hỏi mà bạn nghĩ họ sẽ hỏi trong quá trình phỏng vấn. Cuối cùng, luôn chuẩn bị cho mình sự tự tin, sự chân thành để vượt qua “cửa ải” này nhé.



3.4. Trong quá trình thực tập

Khi đã vượt qua các bước ở trên, thì xin chúc mừng, bạn đã bắt đầu trở thành 1 thực tập sinh thực thụ. Nhưng cũng cần trang bị một số tip sau sau để ba tháng thực tập không thành “ác mộng”:

Thích nghi với văn hóa của công ty

Mỗi công ty/ doanh nghiệp sẽ có một văn hóa doanh nghiệp khác nhau. Việc của bạn là phải thích nghi với chúng để hòa hợp được với mọi người trong công ty. Luôn đặt sự nề nếp, kỷ luật của công ty lên hàng đầu. Nói không với việc trễ giờ và trễ mọi thể loại deadline.

Thái độ làm việc

Khi thực tập, có những lúc chúng ta sẽ làm những việc không đúng chuyên ngành của mình. Hoặc chỉ là tay sai vặt bưng trà rót nước trong team. Nhưng bạn cũng đừng nhục chí, vì để làm những việc to lớn hơn thì đều phải trải qua những việc nhỏ bé như vậy. Với thái độ làm việc vui vẻ, luôn xông xáo, nỗ lực trong mọi việc. Sẽ làm cho mọi người có cách nhìn khác về bạn, và sẽ luôn yêu mến bạn.

Tạo mối quan hệ với mọi người xung quanh

Không ai thích đồng nghiệp, hay những người làm việc chung với mình luôn cau có , bực bội, có cái tôi lớn (luôn xem ý kiến mình là nhất). Khi bạn có thái độ như vậy mọi người sẽ tránh xa và không muốn tiếp xúc với bạn nữa. Vì thế hãy luôn vui vẻ, tạo nhiều mối quan hệ xung quanh, rút ngắn khoảng cách giữa bạn với mọi người để có thêm nhiều “đồng minh”, bạn bè trong công ty. Đây là một động lực lớn để bạn trải qua kỳ thực tập của mình một cách nhẹ nhàng đấy.