Sở thích, đam mê, công việc – Đừng nhầm lẫn!
Bạn đã từng thử kiếm tiền từ một sở thích, nhưng lại bị “mất lửa” khi thực hiện chưa? Nếu câu trả lời là có, thì có thể bạn nhầm lẫn giữa sở thích, đam mê, và công việc.
MỤC LỤC
1. Phân biệt sở thích, đam mê, và công việc
Khái niệm của sở thích và đam mê rất ít khi được đề cập. Chính vì vậy, nhiều người còn mơ hồ về chúng. Đáng lo hơn là khi sự mơ hồ này dẫn đến sự nhầm lẫn. Đó là sở thích và đam mê có thể trở thành công việc đem lại nhiều hạnh phúc.
Theo Wikipedia, sở thích là những hoạt động đem lại niềm vui cho bạn trong khoảng thời gian thư giãn. Và đam mê là “cảm giác mong muốn, khao khát có được ai đó hoặc làm được gì đó”.
Sở thích là thứ bạn tham gia tùy hứng cho vui chứ không bắt buộc hoặc nhằm đạt thù lao. Và đam mê là cảm xúc thúc đẩy bạn làm một điều gì đó không ngừng nghỉ.
Trong khi đó, việc làm hay công việc là thứ bạn nỗ lực và nghiêm túc thực hiện vì mục đích kiếm sống. Cũng có những người còn cho rằng công việc mang lại giá trị cho cuộc sống của con người và đóng góp vào xã hội.
Nói tóm lại, đam mê chỉ là cảm xúc, và có thể đạt được thông qua một sở thích hay công việc.
2. Sở thích chỉ nên dừng lại ở sở thích
Đi làm mà cảm thấy phấn chấn như không đi làm thì hấp dẫn thật đấy, nhưng biến sở thích thành công việc toàn thời gian không phải là một ý kiến sáng suốt. Ví dụ, bạn thích đọc sách, nhưng nó không có nghĩa bạn có thể trở thành nhà văn.
Trong cuốn sách của mình “Phớt Lờ Tất Cả & Bơ Đi Mà Sống: Cùng 39 Chìa Khóa Khác Mở Cánh Cửa Sáng Tạo”, tác giả Hugh MacLeod đã cảnh báo không nên biến việc bạn yêu thích làm ngoài giờ thành công việc bạn buộc phải làm từ 9h sáng tới 5h chiều.
Lý do khiến bạn yêu thích sở thích của mình là vì không có áp lực nào liên quan đến nó và bạn sở hữu sự tự do bất tất. Ví dụ, việc bạn nhảy có đẹp hay xấu không ai có thể phán xét. Bạn cũng không làm theo bất kì quy tắc nào, vì bạn đơn giản nhảy để hạnh phúc.
Một khi bạn thay đổi mục đích giải trí của sở thích bằng yếu tố tiền bạc, bạn có thể thấy mình bắt đầu ngày càng ít thích chúng hơn. Đột nhiên, công cụ sáng tạo mà bạn tận hưởng mỗi khi rảnh rỗi để giãn cơ não và xả hơi bỗng trở thành công cụ kiếm tiền, nguồn tài chính.
Những cái áp lực và stress lầu dần có thể dẫn tới cảm giác thất vọng, chán chường mà bạn đang có đối với công việc hiện tại. Bên cạnh đó, bạn còn đánh mất đi cảm xúc hạnh phúc từng có đối với sở thích của mình. Thứ mà bạn tưởng sẽ đem lại nhiều niềm vui hơn nếu biến nó thành công việc full-time của mình.
3. Hãy dừng theo đuổi đam mê
Như đã giải thích, đam mê không phải là một mục tiêu để theo đuổi, đam mê là cảm xúc, là cảm giác. Khổng Tử có câu, “Hãy chọn công việc mà bạn yêu thích, bạn sẽ không phải làm việc một ngày nào trong cuộc đời của mình.” Sở dĩ câu nói này nghe rất hay và thuyết phục, vì nó đánh vào tâm lý sợ thất bại và cảm xúc thăng hoa của con người.
Quá trình học việc, thử việc, và sửa sai từ những sai lầm không dễ chịu tẹo nào. Trong khi đó, phát triển đam mê lại vui hơn, dễ thành công hơn, lại làm việc không biết mệt mỏi. Đây có lẽ là viễn tưởng mà ai cũng có – nhưng sự thật phía sau thì không mấy ai hay.
Sự thật là bạn vẫn cần tiền, nhất là đối với những người đã sống tự lập. Khi dừng công việc hiện tại để theo đuổi đam mê, thì điều gì đảm bảo bạn sẽ tìm được công việc mới với mức lương đủ sống như bình thường. Hay là sau vài tháng không thấy kết quả, niềm đam mê cháy bỏng bắt đầu nhỏ lửa. Cộng thêm áp lực từ gia đình, tiền bạc, và stress vì cạn kiệt ý tưởng. Cuối cùng, bạn lại quay trở về câu hỏi, “mình có thật sự đang theo đuổi đam mê không?”
Xem thêm: Thấu hiểu bản thân – Bước đệm của Thành Công
Đam mê không phải thứ dẫn đường cho bạn, thay vào đó bạn phải hướng dẫn nó. Vì vậy, hãy dừng việc theo đuổi đam mê và chuẩn bị cho mình những điều sau trước khi thay đổi công việc:
3.1. Tìm hiểu lĩnh vực bạn đam mê
Để tránh mất động lực xây dựng và phát triển sự nghiệp mới của bạn, tốt nhất bạn nên nghiên cứu các lĩnh vực của ngàng bạn đam mê. Ví dụ: một ngày đẹp trời, bạn quyết định chuyển sang ngành viết. Trước đó, bạn nên tìm hiểu các lĩnh vực liên quan như social content, copywriting, PR, và SEO content .
Hiện nay, với Internet và các công cụ tìm kiếm, bạn có thể dễ dàng tìm hiểu thêm về từng lĩnh vực. Lưu ý bạn nên chắt lọc thông tin có giáo dục và hữu ích. Bạn có thể truy cập trang web của các tổ chức chuyên nghiệp để có thêm thông tin chi tiết.
Ngoài ra, bạn có thể tìm hiểu xem ai là nhà lãnh đạo tư tưởng trong từng lĩnh vực và tìm kiếm các bài báo, cuộc phỏng vấn và video ghi lại kinh nghiệm của họ. Cuối cùng, thu hẹp danh sách của bạn xuống một nghề nghiệp mà bạn muốn theo đuổi.
Sau đó, bạn có thể tự đặt câu hỏi và tìm câu trả lời về các vấn đề khác. Ví dụ, số tiền được trả, triển vọng việc làm trong tương lai, và tiềm năng phát triển nghề nghiệp. Bức tranh về ngành của bạn càng bao quát, thì bạn đưa ra quyết định nghề nghiệp càng đúng đắn.
3.2. Bổ sung cho niềm đam mê của bạn
Chỉ đơn giản là làm những gì bạn yêu thích là chưa đủ. Ví dụ, những người yêu thích viết lách phải được đào tạo chuyên môn để theo đuổi ngành báo chí. Mặc dù có khả năng viết lách bẩm sinh, họ vẫn cần trau dồi kỹ năng viết. Bên cạnh việc không ngừng học hỏi từ nhiều người khác trong suốt quá trình làm nghề của mình.
Nếu bạn yêu thích điều gì đó và muốn trở thành một nghề nghiệp nhưng thiếu kỹ năng thích hợp, trước tiên hãy cân nhắc tham gia một số khóa đào tạo về lĩnh vực này. Cụ thể, để trở thành giáo viên dạy yoga, việc có niềm đam mê với nó là chưa đủ. Bạn cần nỗ lực tập luyện và hoàn thành khóa học được chứng nhận
Học nghề, học kỹ năng sớm sẽ giúp bạn làm việc hiệu quả. Từ đó, mở ra con đường sự nghiệp như ý.
3.3. Không vội vã thực hiện công việc bạn đam mê
Đừng vội vàng lao vào công việc mới chỉ vì ngọn lửa đam mê đang bùng cháy trong bạn. Bạn có thể muốn bỏ việc hoặc thay đổi chuyên ngành để theo đuổi “đam mê” của mình, nhưng trước khi thực hiện, hãy đảm bảo rằng bạn đã suy nghĩ cẩn thận và tiếp cận nó một cách thận trọng.
Hãy cân nhắc bằng cách thực hiện công việc bạn đam mê trong thời gian rảnh rỗi hoặc như một dự án phụ trong khi bạn tiết kiệm đủ tiền để thực hiện nó toàn thời gian.
Từ từ nhưng đều đặn, bạn sẽ hoàn thiện bản thân hơn. Và bạn biết xây dựng danh mục đầu tư, cơ sở khách hàng để đặt nền tảng cho sự nghiệp.
Khi đến thời điểm thích hợp và bạn cảm thấy yên tâm, hãy theo đuổi công việc bạn đam mê và biến nó thành một nghề nghiệp xứng đáng.
4. Hãy chọn cống hiến cho công việc thay vì tìm kiếm đam mê
Đối với những người chưa tìm thấy đam mê của mình, không biết công việc nào mới khơi gợi lên cảm xúc này đây, thì lời khuyên chân thành là hãy tìm xem mình có thể cống hiến gì cho cuộc sống và cho công việc.
Ben Horowitz – người đồng sáng lập công ty Andreessen Horowitz, đã có một bài phát biểu với thông điệp:
Đừng theo đuổi đam mê của bạn.
Theo Horowitz, trên trái đất còn có rất nhiều những vấn đề. Ví dụ, vấn đề về quyền lực, về nguồn nước, về lương thực và về quyền bình đẳng. Nhưng nếu các bạn cống hiến cho thế giới và nghĩ cho bản thân, thì các bạn sẽ là thế hệ vĩ đại nhất. Bởi vì khi nhìn lại sau 50 năm, 100 năm, hay 500 năm nữa, các bạn sẽ là thế hệ khai mở tiềm năng của con người.
Với bất kì công việc nào, cảm xúc của bạn vẫn có thể thay đổi theo thời gian, nên đừng đợi đến khi tìm được đam mê rồi mới bắt tay vào làm. Vì bạn có thể tìm thấy đam mê trong quá trình làm việc, tìm thấy thêm các cơ hội đổi đời, và một tình yêu đẹp.