trò chơi kéo co
BLOG Đời Sống Kiến Thức

Những trò chơi dân gian truyền thống dành cho trẻ em

5/5 - (1 bình chọn)

Trò chơi dân gian luôn gắn liền với tuổi thơ của mỗi người. Khi còn nhỏ chắc chắn mỗi người đều có một trò mà mình chơi rất giỏi. Ngày nay khi công nghệ ngày càng phát triển, các thiết bị điện tử thông minh và hiện đại hơn. Trẻ em thường chơi điện thoại hay máy tính cả ngày và rất ít khi vận động.

Vì vậy ở trường mẫu giáo hay tiểu học sẽ thường tổ chức những trò chơi dân gian cho các em. Nó không chỉ giúp trẻ em rèn luyện sức khỏe và trí não. Còn giúp tăng cường khả năng tư duy để giải quyết vấn đề. Và giúp các em nhỏ biết cách hỗ trợ và giúp đỡ nhau để hoàn thành trò chơi.

Dưới đây là những trò chơi dân gian rất bổ ích và thú vị. Các bé có thể chơi ở nhà hay là chơi với bạn bè trên trường. Hãy cùng tôi tìm hiểu những trò chơi thú vị này nhé.

1. Nguồn gốc và lịch sử của trò chơi dân gian Việt Nam

Trò chơi dân gian Việt Nam được hình thành và phát triển trong suốt lịch sử dân tộc. Nó là món ăn tinh thần của nhân dân ta sau những lao động vất vả.

Những trò chơi này là di sản văn hóa của chúng ta, là thành quả và sản phẩm của một cộng đồng. Thực tế những trò chơi này được nhân dân ta sáng tạo để phục vụ cho nhu cầu vui chơi giải trí. Nên sẽ khó để xác định chính xác được thời điểm ra đời.

Không những thế trò chơi dân gian truyền thống Việt Nam còn là sản phẩm văn hóa mang đậm nét truyền thống. Thể hiện nét đẹp trong lao động. phong tục và tập quán được truyền miệng qua nhiều đời tới ngày nay.

Được ra đời bên cạnh những hội hè, lễ hội nhưng trò chơi dân gian vẫn được rất yêu thích. Bởi vì những trò chơi này có thể được chơi ở bất kỳ đâu, bất kỳ thời gian nào. Nó dành cho rất nhiều lứa tuổi từ trẻ em cho tới thanh thiếu niên và người lớn. Nó đáp ứng được nhu cầu vui chơi giải trí lành mạnh sau khi làm việc vất vả.

Trong đời sống thường ngày ông cha ta đã sáng tạo nên những trò chơi một cách ngẫu nhiên. Qua một quá trình dài phát triển thì trò chơi dân gian Việt Nam rất đa dạng và phong phú. Không chỉ là những trò chơi đơn giản mà có rất nhiều trò chơi cần sự nhanh nhẹn, trí tuệ và khả năng phán đoán tốt.

trò chơi dân gian
Trò chơi mèo đuổi chuột – Nguồn: thuthuatchoi.com

2. Những trò chơi dân gian thú vị cho trẻ em

a/ Ô ăn quan

Ô ăn quan là một trò chơi chiến thuật rất thú vị dành cho 2 người chơi. Đây là một trò chơi để rèn luyện trí não cho các bé mầm non hay tiểu học rất tốt. Vật liệu sử dụng để chơi thì rất đơn giản và dễ kiếm. Cũng có rất nhiều bộ đồ chơi ô ăn quan được bán trên thị trường, các  bậc phụ huynh có thể mua cho con về chơi ở nhà. Cách chơi ô ăn quan cũng không phức tạp chỉ cần chơi một hai lần là có thể quen thuộc ngay.

Chuẩn bị để chơi trò chơi ô ăn quan

Để chuẩn bị cho trò ô ăn quan thì đầu tiên cần vẽ bàn chơi ô ăn quan. Chỉ cần vẽ trên một mặt phẳng, có thể vẽ trên đất hay nền gạch đều được. Để vẽ bàn chơi ô ăn quan ta vẽ một hình chữ nhật. Sau đó chia thành 10 ô vuông mỗi bên 5 ô đối xứng nhau. Ở 2 cạnh ngắn hơn của hình chữ nhật sẽ vẽ 2 đường vòng cung thành hình bán nguyệt. Ô vuông là ô dân còn ô hình bán nguyệt là ô quan. Bàn chơi sẽ được vẽ với độ lớn phù hợp với các quân chơi.

Các quân chơi ô ăn quan

Các quân chơi bao gồm dân và quan. Có thể là đá, vụn gạch, hoặc là một loại quả, hạt nào đó. Các quân này chỉ cần có kích thước vừa phải để dễ cầm nắm lúc rải quân. Quân quan thì sẽ lớn hơn quân dân nhiều hoặc màu sắc bắt mắt hơn để dễ nhận biết. Khi chơi  chúng ta cần 2 quân quan và 50 quân dân chia đều cho mỗi người chơi.

Cách chơi trò ô ăn quan cũng rất đơn giản

Mỗi người chơi sẽ ngồi vào mỗi bên ở bàn chơi. Ở lượt chơi đầu tiên chúng ta sẽ oẳn tù tì, người thắng sẽ được đi trước.

Người được đi trước sẽ chọn 1 ô dân bất kỳ ở bên phía mình. Sau đó rải lần lượt vào các ô bên cạnh theo chiều kim đồng hồ hoặc ngược kim đồng hồ đều được. Mỗi ô chỉ rải 1 viên, khi rải hết tùy vào từng tình huống cụ thể sẽ chơi tiếp như sau:

Khi rải hết viên cuối cùng nếu liền sau đó là 1 ô có quân. Ta sẽ lấy quân ở ô đó tiếp tục rải theo chiều trước đó.

Nếu ô liền sau đó là một ô trống và kế tiếp  là một ô có quân thì ta sẽ được ăn hết quân ở ô này. Số quân đã ăn sẽ được loại ra khỏi bàn chơi để tính điểm khi kết thúc. Nếu sau ô đã được ăn này cũng là một ô trống và kế tiếp  là ô có quân thì ta được phép ăn cả ô có quân đó.

Nếu ô liền sau đó là ô quan có quân hoặc hai ô trống hoặc mới ăn quân xong thì sẽ bị mất lượt và lượt chơi được chuyển qua cho người còn lại.

Khi đến lượt của mình đi mà không còn quân trên ô thì bạn phải lấy 5 quân của mình bỏ vào 5 ô. Mỗi ô 1 quân và tiếp tục chơi như bình thường.

Trò chơi sẽ kết thúc khi cả quan và quân sẽ được ăn hết, nếu quan đã ăn hết nhưng mà quân vẫn còn có thể thu quân về. Quân ở phía bên nào sẽ thuộc về người chơi bên đó.

Cách tính điểm trong trò chơi

Mỗi quân được tính là 1 điểm, và mỗi quan có thể được tính là 10 hay là 20, 25 tùy thuộc vào quy ước của người chơi với nhau. Người nhiều điểm hơn sẽ giành chiến thắng.

Trò chơi ô ăn quan là một trò chơi rất thú vị và bổ ích. Nó giúp rèn luyện tư duy chiến thuật, cần tính trước các cách đi để ăn được nhiều quân nhất và giành chiến thắng.

trò chơi ô ăn quan

b/ Chi chi chành chành

Chi chi chành chành là một trò chơi dân gian được rất nhiều bạn nhỏ yêu thích đặc biệt là trẻ mầm non và tiểu học.

Trò chơi này từ 2 người trở lên là có thể chơi được. Trong đó 1 người sẽ được chọn ra và xòe bàn tay ra. Những người chơi còn lại sẽ để 1 ngón tay của mình trên bàn tay. Sau đó cùng đọc bài vè như sau:

Chi chi chành chành

Cái đanh thổi lửa

Con ngựa đứt cương

Ba vương ngũ đế

Chấp chế đi tìm

Ù à ù ập

Sau khi đọc xong chữ ập người chơi cố gắng rút tay ra thật nhanh. Ai rút không kịp bị nắm lại ngón tay thì phải vào thế chỗ cho người xòe tay.

Trò chơi thú vị này sẽ rèn luyện trí nhớ cho các bé, cần phải đọc thuộc bài vè để chơi. Và cũng giúp nâng cao khả năng phản xạ cho các bé. Phải rút tay ra thật nhanh để không bị thua.

Xem thêm: Bạn có đang ứng xử có văn hóa trên mạng xã hội không?

c/ Kéo co

Kéo co là một trò chơi rất hay và cần nhiều sức lực. Trò này thì lứa tuổi nào cũng có thể chơi. Và thường hay được tổ chức trong các lễ hội hay hoạt động tập thể ở trường học.

Để chơi kéo co thì ta cần chuẩn bị dụng cụ là một sợi dây thừng dài được cột dây đỏ ở giữa. vã vẽ một đường kẻ để làm ranh giới giữa hai đội.

Cách chơi cũng đơn giản, người chơi sẽ được chia làm 2 phe với số lượng bằng nhau và sức lực tương đương nhau. Mỗi đội xếp thành một hàng dọc và đứng đối diện nhau. Sau đó sẽ nắm vào sợi dây, các đội có thể tự sắp xếp các thành viên đứng một bên hoặc xen kẽ tùy vào chiến thuật của từng đội.

Sau khi trọng tài hô bắt đầu thì 2 đội sẽ dùng sức kéo dây thừng về phía đội mình. Đội nào dẫm qua vạch trước là đội đó sẽ thua.

Kéo co là một trò chơi cần nhiều sức khỏe và tinh thần đồng đội cao. Không chỉ giúp rèn luyện sức khỏe, kéo co còn giúp nâng cao tinh thần đồng đội và sự đoàn kết của cả đội. Là một trò chơi rất vui và thoải mái.

trò chơi kéo co
Trò chơi kéo co – Nguồn: yeutre.vn

d/ Bịt mắt bắt dê

Trò chơi bịt mắt bắt dê là một trò chơi dân gian rất vui. Thường có từ 3-15 người chơi, nhưng chơi đông người sẽ vui hơn.

Để tổ chức trò chơi nên  chọn một nơi có không gian rộng và không có vật cản. Để chơi thì cần chuẩn bị một miếng vải hay dây vải đủ để bịt mắt người chơi. Nên chọn vải mềm nhẹ tối màu hoặc bịt mắt để ngủ đủ để người bắt không nhìn thấy và thoải mái cho mắt.

Trước khi bắt đầu chơi ta sẽ oẳn tù tì để chọn ra người đi bắt, những người còn lại sẽ làm dê. Người đi bắt sẽ được bịt mắt, người làm dê sẽ vây quanh người bắt.

Khi chơi người làm dê sẽ vây quanh người bắt và kêu “be be”, cố gắng luồn lách để không bị bắt. Người bắt thì sẽ cố gắng bắt một “con dê” và dựa vào trang phục kiểu tóc hay khuôn mặt để đoán “con dê” là ai. Nếu đoán trúng thì sẽ hoán đổi vị trí cho nhau. “con dê” sẽ trở thành người bắt. Nếu người bắt đoán không trúng thì lại đi bắt một “con dê” khác.

Khi tổ chức chơi bịt mắt bắt dê cho trẻ nhỏ thì cần có người quan sát để đảm bảo an toàn cho các bé.

Xem thêm: Bà ngoại – Dáng hình một đời không quên

e/ Thả đỉa ba ba

Trò chơi thể hiện việc qua sông, qua bưng, ruộng…ngập nước, ở dưới nước có đỉa. Cả nhóm làm sao xuống nước mà đỉa không bắt chước. Trước hết vẽ hai đường song song cách nhau độ 2m (hay qui định khoảng trống nào đó) giả định là sông nước. Một em ra giữa vòng vừa hát vừa lấy tay ra đập nhịp vào vai các bạn:

Những trò chơi dân gian cho trẻ em ngày Tết 1
Trò chơi thả đỉa ba ba. Ảnh: Internet

Thả đỉa / ba ba

Chớ bắt / đàn bà

Tha tội / đàn ông

Cơm trắng / gạo trắng

Gạo thuyền như nước

Ðổ mắm / đổ muối

Ðổ chuối / hạt tiêu

Ðổ niêu / nước chè

Ðổ phải nhà nào

Nhà ấy…. chịu

Từ “chịu” trúng em nào thì em ấy xuống sông làm “đỉa”. Bọn trẻ đứa chạy đầu này, đứa băng qua sông góc nọ. “Ðỉa” rượt để bắt. Bọn trẻ lại hát bài hát ghẹo

Sang sông / về sông / trồng cây / ăn quả / nhả hạt. “Ðỉa” rượt bên này thì bên kia xuống sông. “Ðỉa” quay lại bên kia thì lũ bên nọ lại réo lên: “ăn quả / nhả hạt” rồi ào xuống. Chẳng may ai bị “đỉa” vớ phải thì trở thành “đỉa”.

f/ Rồng rắn lên mây

Cách chơi:

  • Cô giáo sẽ cho 1 trẻ đóng vai “ông chủ” và ngồi một chỗ.
  • Những trẻ còn lại nối đuôi nhau thành hàng dài, đi vòng vèo trong sân và vừa đi vừa đọc:

Rồng rắn lên mây
Có cái cây lúc lắc
Có cái nhà điểm binh
Có ông chủ ở nhà không?”

Khi đọc đến câu “Có ông chủ ở nhà không?” thì trẻ dừng lại trước mặt “ông chủ” có thể trả lời “có hoặc không”. Nếu “ông chủ” trả lời “không” thì trẻ sẽ đi tiếp, cũng vừa đi vừa đọc những câu như trên. Nếu “ông chủ” trả lời “có” cả nhóm trả lời những câu hỏi xin của “ông chủ”.

Ông chủ: Cho xin khúc đầu?

Cả nhóm: Những x ương cùng xẩu
Ông chủ: Cho xin khúc giữa?
Cả nhóm: Chả có gì ngon
Ông chủ: Cho xin khúc đuôi?
Cả nhóm: Tha hồ mà đuổi.

Sau câu “Tha hồ mà đuổi”, “ông chủ” sẽ chạy đuổi bắt cho được “khúc đuôi” (người cuối cùng) còn cả nhóm sẽ chạy tránh, người đứng đầu nhóm sẽ dang hai tay che chở cho cả nhóm không bị bắt. Nếu trẻ làm “ông chủ” bắt được “khúc đuôi” thỉ trẻ đổi vai và chơi lại từ đầu.

Trò chơi dân gian mang lại nhiều niềm vui và lợi ích cho trẻ em. Vì vậy hãy cho trẻ tham gia chơi  thay vì cho trẻ nghịch điện thoại, máy vi tính. Hãy mang lại những tiếng cười và giúp trẻ có một tuổi thơ ý nghĩa hơn thông qua những trò chơi bổ ích.

Write by Nguyen Nga