Làm trái ngành – được gì và mất gì?
Làm trái ngành là một cụm từ quen thuộc với những sinh viên năm cuối như mình. Nếu ngay từ đầu, các bạn là những người lựa chọn ngẫu nhiên ngành học theo mình suốt 4 năm. Vậy có thể, bạn sẽ là một trong những người có khả năng cao làm trái ngành đấy. Vì sao ư? Cùng mình tìm hiểu nhé!
MỤC LỤC
1. Tại sao làm trái ngành là sự lựa chọn của mình?
1.1. Đại học hay “học đại”?
Mình theo học ngành Công nghệ sinh học chỉ vì một lý do. Mình có khả năng học tốt hai môn ám ảnh rất nhiều bạn trẻ hiện nay là sinh học và hóa học. Khi được nghe đây sẽ là ngành học hot nhất trong tương lai, và mình chọn đại luôn.
Trong quá trình học, mình đã nhận ra bản thân mình không phải là người thích ngồi một chỗ và ít giao tiếp. Nghiệt ngã thay, ngành mình phải làm trong phòng thí nghiệm 24/24 dù có lựa chọn lĩnh vực nào đi chăng nữa.
1.2. Tại sao mình không chuyển qua ngành mình thích đi?
Chuyển ngành nghe thì dễ nhưng làm lại khó. Việc tìm được ngành bạn yêu thích, được học và đi làm lĩnh vực mình giỏi. Giống như việc crush của bạn cũng thích bạn vậy.
Vậy nên thời điểm đó, mình đã không xác định được ngành mình yêu thích. Vì vậy, mình không đủ can đảm để nghĩ tới hướng chuyển ngành nói chi là làm trái ngành như hiện tại.
1.3. Động lực “nhè nhẹ” cho việc làm trái ngành
Đến tận sinh viên năm cuối, khi mình đi thực tập và được trải nghiệm làm việc trong môi trường chuyên nghiệp. “U là trời”, mình không hợp ngành này dù chỉ là nói chuyện phiếm với đồng nghiệp.
Bởi vì làm việc trong không gian kín cũng như không có tinh thần “em yêu khoa học”. Dẫn tới sự chán nản và không còn cảm hứng đi làm và mình không muốn tìm hiểu thêm gì về ngành học. Nhưng đặc thù chí tử của ngành mình, ai không phát triển thì kẻ đó bị gạt chân. Chính vì vậy, mình nghĩ tới việc làm trái ngành.
Còn việc mình đã đổi qua làm trái ngành mới như thế nào? Hay điều gì khiến mình tìm được niềm đam mê này? Mình xin phép chia sẻ ở một bài khác nhé!
2. Những gì mình đã đánh đổi khi làm trái ngành
Việc từ bỏ một ngành mình bỏ thời gian và công sức theo học để đi làm trái ngành sẽ khiến rất nhiều bạn cảm giác như là “khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng”.
2.1. Thời gian
Nếu các bạn sinh viên theo học 4 năm để trang bị đủ kiến thức và làm việc trong ngành mình theo học. Thì những bạn làm trái ngành phải bỏ ra thời gian là bao lâu đây? Rất khó để xác định được thời gian.
Quản lý thời gian ngay những thời điểm đầu để làm trái ngành thực sự gian nan. Các bạn luôn chạy đua với thời gian, để tìm hiểu và bắt kịp được những kiến thức so với sinh viên cùng ngành. Vậy nên, sắp xếp thời gian như thế nào cho hợp lý là một vấn đề nghe thì dễ, làm thì khó.
Xem thêm: Lập trường là gì? Giữ vững lập trường – tự tin tiến
2.2. Mối quan hệ
Không gì có thể phủ định được câu “nhất quan hệ, nhì tiền tệ” ở nước mình. Với những bạn sinh viên đúng ngành, cơ hội kiếm việc làm chất lượng và lâu dài thường đến từ những người bạn, những người đi trước, thầy cô…
Còn những bạn làm trái ngành lại vất vả hơn nhiều. Chẳng hạn như mình, mình theo đuổi nghiệp viết. Nhưng chẳng quen biết một ai để nhờ vả. Và rất khó để kiếm được một người thầy giỏi để chỉ rõ những lỗi sai của bản thân trong quá trình mình học và làm.
Vì vậy, cơ hội duy nhất là mình phải tìm việc làm từ những nguồn mình có thể kiếm được. Để được quen và hiểu công việc trái ngành của mình sẽ như thế nào?
Từ đó, có thể tạo dựng được mối quan hệ cũng như phát triển công việc trái ngành này.
3. Làm trái ngành đã giúp mình như thế nào?
Bên cạnh những khó khăn như trên, làm trái ngành đã giúp mình thoát khỏi những khó chịu khi làm nghiên cứu. Cũng như có được nhiều năng lượng để phấn đấu và phát triển hơn trong môi trường mới.
3.1. Làm được công việc mình yêu thích
Nghề chọn mình hay mình chọn nghề? Câu nói rất đỗi quen thuộc đối với gen Z chúng mình. Nhưng không quan trọng, điều các bạn cần quan tâm ở đây là bản thân luôn giữ được nhiệt huyết đối với nghề của mình bất kể trái nghề hay đúng nghề.
Dĩ nhiên rằng, đối với các bạn làm trái nghề luôn có lợi thế hơn, có thể lựa chọn làm những lĩnh vực mình yêu thích và có tiềm năng. Cho nên, việc giữ được lửa để tìm tòi và học hỏi sẽ giúp các bạn có thể phát triển trên con đường dài của sự nghiệp.
3.2. Tìm được môi trường phát triển phù hợp
Môi trường ảnh hưởng rất lớn đến tư duy và phát triển của các bạn sau này. Ví dụ, nếu trong một môi trường nghiên cứu, nhân viên sẽ làm việc rất cá nhân, không có khả năng giao tiếp tốt. Nhưng bù lại, sẽ có được tính kiên nhẫn hơn những bạn làm việc trong môi trường marketing.
Một nhà khoa học làm việc trong một môi trường ồn ào, xung quanh đầy màu sắc, trao đổi ý kiến liên tục. Họ có thể bị stress và bỏ việc. Ngược lại, một nhà thiết kế quảng cáo, sao có thể chịu đựng làm việc trong bốn bức tường hằng ngày mà không trò chuyện với một ai?
Vì vậy, chọn lựa một môi trường phù hợp, không những giúp các bạn luôn có cảm hứng để làm việc, mà còn là nơi ảnh hưởng đến tư duy lẫn tính cách con người của bạn.
Xem thêm: Phương pháp Pomodoro là gì?