Thiền chánh niệm - Một hành trình tìm về chốn bình yên giữa cõi đời náo động
BLOG Đời Sống Kiến Thức

Thiền chánh niệm – Một hành trình tìm đến chốn bình yên giữa cõi đời náo động

5/5 - (1 bình chọn)

Ắt hẳn ai trong chúng ta cũng từng trải cuộc “khủng hoảng hiện sinh” . Đó là lúc ta không hiểu được ý nghĩa cuộc đời cũng như bản ngã của chính mình. Trong thời điểm tăm tối ấy, thiền chánh niệm sẽ là một phương pháp hữu hiệu đối với chúng ta.  Vì, nó sẽ giúp ta tìm thấy sự bình  yên trong tâm hồn và thấu rõ bản thân hơn.

1. Tìm hiểu về thiền chánh niệm

1.1. Khái niệm về thiền và thiền chánh niệm

Thiền là hoạt động giúp ta tập trung một sự việc cụ thể trước đời sống ồn ào, tấp nập. Từ đó, thiền trở thành phương tiện, chiếc cầu hữu hiệu giữa tâm hồn ta và chốn bình yên. Có nhiều phương pháp thiền phổ biến trên thế giới: thiền từ tâm, thiền nhận thức hơi thở… Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu sâu về thiền chánh niệm.

Thiền chánh niệm là một bài tập trị liệu cho tinh thần bằng việc giúp ta tập trung hơn vào khoảnh khắc hiện tại. Từ đây, chúng ta sẽ chiêm nghiệm được nhiều hơn về ý nghĩa sự sống và giá trị con người mình. Như vậy, khi thiền chánh niệm ta sống trọn vẹn trong hiện tại. Đồng thời, ta cảm nhận cuộc đời bằng tất cả giác quan và thấu hiểu “đứa trẻ bên trong” hơn.

Thiền chánh niệm - Một hành trình tìm đến chốn bình yên giữa cõi đời náo động

1.2  Cách thức để thiền chánh niệm

Chúng ta sẽ trải qua ba bước trong chuyến hành trình thiền chánh niệm để tìm về cõi yên tĩnh.

Đầu tiên là thiền thư giãn – một bước nền tảng vô cùng quan trọng. Bởi lẽ, chúng ta sống trong một môi trường làm việc và học tập vô cùng căng thẳng. Thư giãn sẽ làm dịu tâm trí và khiến ta thoải mái hơn. Hãy thả lỏng cơ thể và để cho những suy nghĩ trong đầu được tung tăng bay nhảy.

Tiếp theo, chúng ta sẽ thiền định tập trung. Đúng như tên gọi, lúc này chúng ta sẽ tập trung vào một suy nghĩ, một sự việc nhất định. Tâm trí ta không còn lan man bên ngoài nữa. Có thể luyện tập thiền tập trung bằng cách tập trung  quan sát hơi thở.

Và cuối cùng chúng ta thiền chánh niệm. Chúng ta sẽ quan sát những chuyển động của cảm xúc, suy nghĩ một cách khách quan. Điều này giúp ta thấu rõ bản thân hơn và tìm được giải pháp cho những vấn đề đang gặp phải.

Khi thực hành thiền chánh niệm, chúng ta có thể đứng, ngồi, nằm,… Và ngoài ra, bạn hãy thử thiền chánh niệm trong khi thực hiện các hoạt động hàng ngày như nấu ăn, đi bộ, đọc sách.  Ví dụ như ta cảm nhận rõ con đường, mọi người, hơi thở khi ta đang đi bộ. Hay khi đọc sách, tập trung vào màu sắc của trang giấy,dòng chữ và mùi của sách,…

Nếu mới bắt đầu tập thiền, bạn có thể thiền trong 10 phút và cải thiện dần thời gian thiền lên đến 20 phút một ngày. Có thể thiền chánh niệm vào tất cả thời điểm trong ngày nhưng vẫn ưu tiên vào buổi sáng sớm.

2. Lợi ích của việc thiền chánh niệm trong đời sống thường nhật

2.1. Tác động tích cực đến sức khỏe thể chất

Đầu tiên, đó là bạn có thể kiểm soát các cơn đau mãn tính của bản thân. Khi thiền chánh niệm, chúng ta quan sát bản thân một cách khách quan. Ta không dùng cảm xúc chủ quan để phủ lên nỗi đau mãn tính mà cảm nhận đó đúng như bản chất, mức độ của nó. Chúng ta thả lỏng tâm trí, sự căng thẳng về nỗi đau cơ thể cũng sẽ được cải thiện tích cực.

Điều thứ hai là thiền chánh niệm sẽ cải thiện chất lượng giấc ngủ của chúng ta vô cùng đáng kể. Vì khi thiền, chúng ta tập trung cảm nhận bản thân ở hiện tại, ta quên đi nỗi ám ảnh quá khứ và sợ hãi tương lai. Từ đó, chứng mất ngủ do căng thẳng và rối loạn lo âu sẽ giảm hẳn và ta dễ dàng có một giấc ngủ bình yên. Khi ngủ đủ, sâu giấc,  ta có đủ năng lượng khởi đầu ngày mới, kiến tạo những giá trị mới.

Và như vậy, từ việc cải thiện giấc ngủ, thiền chánh niệm giúp ta sống lạc quan hơn.

Thiền chánh niệm - Một hành trình tìm đến chốn bình yên giữa cõi đời náo động

Điều thứ ba là tác dụng tích cực của thiền chánh niệm trong việc quản lý cân nặng . Khi thiền, chúng ta tĩnh tâm quan sát mọi chuyển động và cảm nhận từng phần thân thể mình. Việc hiểu rõ cảm giác cơ thể sẽ giúp ta tìm ra động lực và mục tiêu trong quản lý cân nặng.

Ví dụ như bạn cảm thấy cơ thể đang thừa cân và ngưỡng mộ những người có thân hình đẹp. Thế nhưng, bạn lại chẳng có đủ động lực để luyện tập thể chất hằng ngày. Vì, mục tiêu ấy bạn hướng ra ngoài, lấy tiêu chuẩn xã hội làm thước đo. Còn thiền sẽ cho bạn cảm giác ngược lại, khi tập trung cảm nhận cơ thể, bạn sẽ nhận thấy khi thừa cân, bản thân chẳng thể nhanh nhẹn, đi đứng nặng nhọc từ đó dẫn đến thiếu tự tin. Thậm chí bạn nhận thấy, tình trạng này làm ảnh hưởng đến sức khỏe như tăng đường huyết, tiểu đường,…Từ đó bạn cảm thấy tầm quan trọng trong việc cải thiện cân nặng vì sức khỏe và  sự tự tin của chính bản thân.

Như vậy, thiền chánh niệm giúp ta trở thành phiên bản tốt nhất và sống cuộc đời thoải mái nhất của chính mình.

2.2. Ảnh hưởng tuyệt vời đến đời sống tinh thần

Người thường xuyên thiền chánh niệm sẽ gia tăng được chất xám trong não bộ. Như vậy, khả năng học hỏi, tiếp thu, ghi nhớ của người đó rất đáng nể phục. Vì thiền chánh niệm, giúp ta quan sát, nhìn nhận bản thân một cách tập trung và đa diện. Chúng ta sẽ không chỉ luyện được sự cảm nhận mà còn là sự phân tích của lý trí. Điều này rất cần thiết trong đời sống thường nhật, làm việc đạt năng suất cao và sáng tạo.

Xem thêm tại:  6 thói quen tốt cho não bộ bạn nên làm mỗi ngày

Điều thứ hai đó là có thể làm giảm thiểu khả năng trầm cảm. Con người luôn phải trải qua những giai đoạn khủng hoảng khác nhau trong suốt cuộc đời. Ví dụ như khi ta bước vào hoàn cảnh, môi trường mới, khi trưởng thành, sự đổ vỡ niềm tin, sự bất toàn về bản thân, áp lực, tự ti so với những người bạn đồng trang lứa,…

Những khủng hoảng tất yếu này luôn ẩn chứa mầm mống trầm cảm, tự kỷ.

Xem thêm tại: Peer Pressure là gì? Làm sao để vượt qua Peer Pressure khi bước chân vào đại học

Trong trường hợp này, thiền chánh niệm sẽ giúp ta chiêm nghiệm chiều sâu tâm hồn và tìm kiếm được chân giá trị riêng.

Thiền chánh niệm - Một hành trình tìm đến chỗn bình yên giữa cõi đời náo động

Thiền chánh niệm mang lại những lợi ích vô cùng quý báu đối với đời sống con người. Nhưng chúng ta cũng không nên thiền quá lâu vì dễ ảnh hưởng đến sức khỏe, bị đau cột sống lưng hoặc nhức mỏi chân,…. Và quan trọng hơn cả là chúng ta không nên trốn chạy những hiện thực bên ngoài bằng việc thiền. Thiền chánh niệm chỉ có thể giảm sự lo lắng, bất an chứ không thể giải quyết vấn đề của ta.

Chúng ta phải hành động thì mới thật sự tìm kiếm được ý nghĩa bản thân trong cuộc đời tấp nập, náo động.

Điều cuối cùng xin lưu ý đó là: hãy tận hưởng quá trình thiền chánh niệm bằng cả trái tim. Đừng thiền vì mọi người đều thiền, đừng thiền vì bất an nên lấy thiền như một cứu cánh mà không cảm nhận được gì cả.