Bóng dáng người lao công
Đời Sống TẢN VĂN

Bóng dáng thầm lặng của người lao công

1/5 - (1 bình chọn)

Mấy ngày hôm nay ngồi lướt facebook, đọc được những dòng tin tức về những người công nhân môi trường, tôi không khỏi chạnh lòng mà gõ những dòng chữ này. Bỗng dưng tôi lại nhớ đến chị. Một người lạ mà tôi biết rất rõ về số phận đáng thương cùng câu chuyện đằng sau đó. 

Trong tôi luôn thường trực niềm thương cảm và biết ơn với những con người chọn công việc này. Bất cứ lúc nào bắt gặp họ đang làm việc trên đường, tôi cũng không quên mỉm cười. Đôi khi là mang cho họ chai nước, vài bộ quần áo cũ, vài gói bánh mang về cho con trẻ. Lao công – cái nghề nhọc nhằn phải đánh đổi rất nhiều thứ nhưng đổi lại, là cái nhìn ái ngại của người đời. Có lắm khi còn là sự khinh rẻ, hạ thấp giá trị của một con người. Cái nghề mà có thêm cả nhiều cách gọi khác nữa: “bà quét rác”, “bọn thu rác”, thậm chí là…“rác”. 

Dẫu biết nghề nào cũng phải đánh đổi hy sinh, nhưng có lẽ lao công được coi là nghề đặc thù, hi sinh thầm lặng nhất. Tôi đã từng được kể về công việc vất vả này của một chị trong nghề. Công việc chia theo ca. Mỗi ca từ 4-6 người quét và gom rác của cả một con phố. Chị làm ca từ 6h tối đến tận 2h sáng hôm sau. Bình thường sẽ là quét dọn rác, gõ kẻng từng ngõ và gom túi rác của các gia đình. Cái xe đẩy rác chẳng mấy chốc mà đầy. Nhoài cả người phía trước mà đẩy. Tính ra, nó còn nặng gấp đôi số cân của chị. Lại còn mùi. Rác sinh hoạt thì ai cũng biết rồi. Đứng cách xa mấy mét thôi cũng khiến ai nấy phải nhăn mũi, bịt mồm, chạy thật nhanh. 

Công việc tốn sức, vất vả, lại độc hại cho sức khỏe. Đó là còn chưa kể những rủi ro mà những người lao công phải đánh đổi. Bữa nghe tin cô lao công nọ trên đường đi làm về, bị một gã say rượu đâm trúng. Cô đã không qua khỏi. Trong lòng không khỏi xót xa. Bữa lại đọc thấy những người thu gom rác bị công ty môi trường quỵt những 6, 7 tháng lương. Trong thời gian ấy, họ ăn gì, con cái họ lấy tiền đâu ra để đi học, rồi người chồng sẽ xử sự thế nào nếu vợ làm quần quật mà không đem về nổi đồng lương… là những gì mà tôi chợt nghĩ trong đầu. Cuộc sống đã không mấy dễ chịu, nay lại gồng gánh thêm những uất ức, bất công.

Cuộc sống vất vả của nhiều người lao công
Rồi vụ gần đây, một chị lao công sau khi tan ca làm, đã bị đám thanh niên nhẫn tâm cướp luôn chiếc xe máy. Tài sản quý giá duy nhất vốn để chị tìm kế mưu sinh. Và còn thật nhiều những góc khuất, tủi hờn đằng sau số phận của những người lao công. Điều tôi băn khoăn là: Liệu xã hội có đang hạ thấp một nghề mà lẽ ra phải được tôn vinh, trân trọng hơn bao giờ hết? Nếu một ngày không có các cô, các bác lao công miệt mài quét, thu gom rác, thì đường phố có được sạch sẽ, văn minh, chúng ta có được hưởng bầu không khí trong lành, đáng sống hay không? Những ngày lễ, Tết, sau cuộc vui chơi ai sẽ sẽ là người cuối cùng dọn dẹp, trả lại những cung đường sạch sẽ cho phố phường? 

Khi ta vẫn đang cuộn tròn trong chăn ấm nệm êm, thì họ lao ra đường. Lúc ta quây quần bên gia đình mỗi dịp lễ, ngày Tết, họ lao ra đường. Khi ta cuối tuần đi chơi cùng bạn bè, người thân, không ai khác, vẫn là họ lao ra đường tiếp tục công việc làm đẹp cho từng con phố. Một công việc cống hiến âm thầm, mấy ai hay… Đổi lại, ở đâu đó, xã hội vẫn dành cho những người mưu sinh bằng nghề lao công cái nhìn thiếu thiện cảm. Đúng là đa phần những người chọn công việc này là vì không còn lựa chọn nào khác. Hoặc hoàn cảnh đẩy họ phải tiếp tục mưu sinh vì bản thân, gia đình. Thực sự cũng không ai muốn bản thân mình phải chọn một công việc cực nhọc, đánh đổi nhiều như vậy.

Tôi vẫn nhớ câu nói đọc đâu đó của một bà mẹ nói với con mình. Hai mẹ con cùng đi công viên. Người mẹ chỉ tay vào người lao công đang dọn nốt chỗ rác trên đường: “Nếu sau này không học hành cẩn thận, con sẽ giống như cô kia đấy!” Người lao công lúc đó quay đi, vội lau giọt nước mắt vừa rơi. Bạn thấy đấy, cũng là một câu nói, nhưng để lại sức sát thương cực lớn đối với tự trọng của một con người. Dù là ai, làm bất cứ công việc gì, thì họ cũng cần được tôn trọng, cần được bảo vệ và biết ơn. Người mẹ trong câu chuyện, tuy không có ác ý, nhưng lời răn dạy con hướng đến người lao công đang phục vụ mình, đã vô tình làm tổn thương và thể hiện sự vô ơn.

Xem thêm: Sống xanh và các cách để bạn cứu lấy môi trường

Giọt nước mắt buồn tủi của người lao công (nguồn: kênh14)
Câu chuyện mà tôi vẫn hay nhớ đến cũng là của một người phụ nữ làm nghề lao công. Tôi xin phép gọi là “chị”. Chị phụ trách công việc thu gom, quét dọn cho cái ngõ nhỏ của xóm tôi. Và thường sẽ xuất hiện vào lúc 4 rưỡi sáng hoặc khi trời nhập nhoạng 6,7h chiều. Lúc nào cũng vậy, chị mặc trên người bộ quần áo bảo hộ màu xanh in logo môi trường. Trên đó có in thêm những chiếc sọc kẻ dạ quang để người đi đường nhìn rõ những lúc làm việc về đêm. Chân chị đi đôi ủng màu đen cao lên đến tận đầu gối. Đầu đội mũ bảo hộ chuyên dụng, bịt kín 2 lớp khẩu trang. Tôi không đoán được tuổi của chị, nhưng nghe giọng hào sảng có lẽ chị cũng đã trên tuổi 40. 

– “ Mới sớm ra đã cô đã đi bộ rồi đấy hả?!”

– “Dạ em cũng mới đi thôi. Chị sắp xong chưa?”

– “ Nốt đây với chỗ kia nữa. Khổ. Đây mẹ làm đêm mà con cứ đòi đi theo đây này”

– “ Thương thế. Quấn mẹ như gì ấy nhỉ…”

Thi thoảng vẫn diễn ra đoạn hội thoại ngắn như vậy giữa tôi với chị.

 Chạm mặt nhau thường xuyên nên chúng tôi cũng chẳng lạ lẫm gì nữa. Chị có đứa con trai 5 tuổi, vẫn hay lẽo đẽo theo mẹ đi làm. Cu cậu nom rất thương mẹ. Bé tí mà như ông cụ non, miệng bi bô: “Mẹ ơi mẹ mệt không”, “Mẹ nghỉ đi con làm cho!”. Thường, đứa trẻ sẽ đi cùng mẹ một đoạn. Rồi, để con khỏi chạy theo kẻo mệt, chị gửi nó cho bà bán nước trông hộ, xong việc chị lại quay về đón. Thằng bé ngoan, gặp ai cũng lễ phép chào. Nó lôi từ trong chiếc cặp sách bé xíu những món đồ chơi đã sờn màu. Mấy món đồ chơi chắc được ai đó đem tặng. Nó vẫn vui vẻ, liên mồm kể về sự tích từng chiếc ô tô, chú khủng long, siêu nhân,… 

Trong lúc đó, người mẹ vẫn tiếp tục công việc lao công sáu tiếng một ngày. Quét, xúc, gom rác chất lên xe môi trường thành phố đem đi xử lý. Miệt mài ngày nào cũng như ngày nào, bất kể nắng mưa. Đồng lương ít ỏi buộc chị phải tìm một công việc để trang trải thêm. Những hôm không phải tăng ca, chị xin chân rửa bát cho một quán phở hoặc lượm ve chai về bán. Chị kể, cuộc đời chị chưa một lần được sung sướng. Chị là dân tỉnh lẻ, mãi sau mới lên đây làm lao công kiếm sống. Thời còn trẻ, vì không được ưa nhìn nên mãi không có người đàn ông nào ngó ngàng tới. Đến năm 35 tuổi, có anh làm phụ hồ ngỏ lời muốn cưới chị về làm vợ. Chị đồng ý.

Đứa trẻ lẽo đẽo theo mẹ đi làm
Hai vợ chồng sống với nhau hơn 1 năm nhưng họ không có con. Anh chồng chán nản, đòi ly hôn. Sau lần đó, chị đau khổ mà không biết chia sẻ cùng ai. Chị dặn mình sẽ không mở lòng thêm bất cứ lần nào nữa. 

Người lao công ấy vẫn hàng ngày lặng lẽ bám trụ lấy công việc. Làm bạn với đồng nghiệp, với chiếc chổi tre, chiếc xe đẩy, và rác. Cho đến ngày chị gặp gã đàn ông ấy. Hắn làm nghề sửa xe bên đường và lúc nào cũng nhìn chằm chằm vào chị. Cái nhìn sắc lẹm, có cái gì đó rất đào hoa mà người ta hay nói là gian tình, đặt trúng vào người phụ nữ đã quá lứa lỡ thì. Rồi chuyện gì đến cũng đến. Chị lao công đã sa vào vòng tay trước những lời ong bướm mà hắn dành cho chị. Cuộc hôn nhân không kéo dài bao lâu. Hắn là kẻ vũ phu. Cứ rượu là lời ra tiếng vào, rồi chửi bới, đánh đập vợ. Đứa bé là tài sản duy nhất mà chị có kể từ khi vợ chồng lấy nhau. 

Chị bỗng trở thành một bà mẹ đơn thân. Hai mẹ con từ đấy nương tựa lẫn nhau. Ba tuổi. Thằng bé đã theo mẹ đi làm. Cuộc sống nhiều khi khó tránh được bấp bênh. Ngày nào còn tiền, hai mẹ con còn có tí thịt. Còn không, chị cho nó ăn mì tôm, hay mẩu bánh mì cùng chị qua bữa. Mẹ con rau cháo nuôi nhau. Chỗ ở cũng chỉ là một căn phòng trọ ọp ẹp mười mấy mét vuông. Nhưng đối với chị, có con là có tất cả. Chỉ cần con khỏe mạnh, không ốm đau, là chị vui, không mong muốn gì hơn. 

Tôi chứng kiến cuộc sống khó khăn hàng ngày của mẹ con họ. Trong lòng cầu mong một ngày nào đó, hai mẹ con chị sẽ tìm được mái ấm bình yên, ít nhất là đỡ vất vả hơn. Nhưng cuộc đời thật biết cách trêu ngươi con người ta. 

Mong rằng một ngày cuộc sống của những người lao công như chị sẽ bớt vất vả hơn
Vẫn là một buổi sáng mùa đông. Tôi không còn nhìn thấy chị đi làm như mọi ngày. Người đồng nghiệp đang hoàn thành nốt việc thay cho phần của chị. Cô ấy vội nói với tôi rằng đêm qua chị bị chiếc xe container đâm trúng! Cấp cứu nhưng không kịp! Lái xe bỏ chạy trong đêm! Trời ơi!…

Chị ra đi một cách đột ngột mà tất cả mọi người đều không ai ngờ tới. 

Xóm tôi ai nấy đều sững sờ, thảng thốt. Vậy là, chị đã biến mất, không còn ở trên thế gian đau khổ này. Chị đã bỏ lại cái nghề lao công bạc như vôi, để lại đứa con thơ giờ đã mồ côi mẹ, để lại một nỗi buồn trống vắng không thể lấp đầy với những người dân như chúng tôi. Một con người dù khổ mấy nhưng ăn ở hiền lành, một người mẹ hết mực yêu thương con, hy sinh thầm lặng vì lợi ích chung. Tại sao ông trời lại nỡ bất công cướp đi sinh mạng dễ dàng như thế?

Ngày tiễn chị là một buổi sáng mùa đông buồn, lạnh căm cắp. Và cả mưa phùn dày trắng xóa lối đi. Chị không có họ hàng thân thích. Đưa chị đi chỉ có chúng tôi – những người trong xóm hay bắt gặp bóng dáng chị lặng lẽ làm việc trên đường. Nhìn đứa trẻ đầu đội khăn trắng, chống gậy, gương mặt ngây thơ, thẫn thờ nhìn lên di ảnh, không ai cầm được nước mắt. 

Chị yên nghỉ nhé. Chúng tôi sẽ mãi nhớ và biết ơn chị. Công việc của chị từ nay sẽ có người khác tiếp tục gánh vác. Con trai chị, từ giờ hãy để chúng tôi cùng nuôi nấng, chăm sóc cháu. Và những người dân như chúng tôi, sẽ còn nhắc nhớ mãi về bóng dáng thầm lặng của người lao công quét rác làm đẹp cho phố phường.

Bỗng miệng thằng bé mếu xệch, thốt lên câu hỏi: “Mẹ! Mẹ ở đâu sao không về?”…

Xem thêm: Người đi người ở lại