Rào cản thế hệ là gì? Làm sao để xóa bỏ rào cản thế hệ trong gia đình?
Có phải bạn đang là cha mẹ và bạn đã từng mắng mỏ con cái? Hay bạn là con cái và đã không dưới một lần cãi lại ông bà, cha mẹ? Hoặc bạn là ông bà và cũng từng mắng cháu chắt? Tất cả những điều đó đều xuất phát từ rào cản thế hệ.
Vậy làm sao xóa bỏ rào cản thế hệ trong gia đình để mọi người trong gia đình được trở lên gần gũi, yêu thương nhau hơn? Hãy cùng mình đi khám phá những cách để giúp xóa bỏ rào cản trong gia đình.
MỤC LỤC
1. Rào cản thế hệ là gì?
Muốn xóa bỏ rào cản thế hệ trước tiên phải hiểu được rào cản thế hệ là gì?
Rào cản là ngăn cách, ngăn trở, làm cho các bên không thể gần nhau, xuất hiện khoảng cách với nhau.
Thế hệ là lớp người hoặc sinh vật đại khái cùng một lứa tuổi, phân biệt với lớp trước đã sinh ra mình và với lớp sau do mình (sẽ) sinh ra (theo từ điển Việt).
Như vậy, có thể hiểu đơn giản rào cản thế hệ là sự ngăn cách, khoảng cách giữa người lớp trước và người lớp sau. Trong gia đình ba thế hệ thường tồn tại rào cản thế hệ giữa cha mẹ và con cái, giữa ông bà và cháu chắt. Rào cản thế hệ là nguyên nhân chính làm ảnh hưởng trực tiếp đến hạnh phúc gia đình.
2. Nguyên nhân chính của sự xuất hiện rào cản thế hệ trong gia đình
Muốn tìm được giải pháp cho một vấn đề thì phải tìm được nguyên nhân của vấn đề đó. Tuy nhiên, ở bài viết này mình muốn nói đến giải pháp nhiều hơn nên chỉ đề cập đến nguyên nhân chính làm xuất hiện rào cản thế hệ trong gia đình.
Các thế hệ trong gia đình vốn dĩ đã có sự khác nhau về nhiều mặt như tuổi tác, thời đại, môi trường sống, tư tưởng…Ông bà 60 tuổi, 70 tuổi sẽ không hợp để chơi những trò chơi của thế hệ 17 tuổi, 18 tuổi nữa. Con cái thế hệ Gen Z cũng không hiểu được những gì mà thế hệ 7X, 8X bố mẹ đã trải qua. Thời còn chiến tranh của ông bà cũng sẽ khác thời bình của con cháu,…Chính những sự khác nhau đó là nguyên nhân dẫn đến sự tồn tại của rào cản thế hệ.
3. Một số cách xóa bỏ rào cản thế hệ trong gia đình
3.1. Các thế hệ trong gia đình giao tiếp với nhau nhiều hơn
Giao tiếp là cách để mọi người có thể gần gũi với nhau, hiểu nhau hơn. Tuy nhiên, trong thời đại ngày nay rất ít khi mà các thành viên trong cùng gia đình có thể ngồi đầy đủ với nhau để mà nói chuyện, chia sẻ. Bạn hãy thử nhớ lại xem lần nói chuyện gần nhất của gia đình bạn cách đây bao lâu rồi?
Xem thêm: Giao tiếp là chìa khóa dẫn đến thành công
Cha mẹ hay đổ lỗi cho công việc bận rộn nên không có thời gian. Con cái sẽ lấy lý do học hành mà ít nói chuyện. Chỉ còn mỗi ông bà. Nếu ai cũng bận rộn, ai cũng lấy lý do như thế thì gia đình làm sao đúng nghĩa là gia đình được. Mọi người như thế chỉ là đang sống trong cùng một mái nhà mà thiếu đi hơi ấm gia đình.
Để có thể giao tiếp nhiều hơn thì bữa cơm gia đình đóng một vai trò rất quan trọng. Trong bữa cơm, mọi người có thể gần nhau hơn, cùng ăn uống, chia sẻ mọi việc trong cuộc sống. Nếu không thể ăn cùng nhau một ngày ba bữa, thì ít ra cũng hãy ăn cùng nhau bữa tối. Nếu khó quá thì hãy cố gắng sắp xếp một bữa trong tuần để gia đình có thể sum họp với nhau.
Bữa cơm gia đình sẽ là bữa cơm ngon hơn bất kỳ bữa cơm khác bên ngoài. Bữa cơm gia đình chính là loại keo bền chặt gắn kết gia đình, phá vỡ rào cản thế hệ.
3.2. Các thế hệ tìm hiểu tâm lý lẫn nhau
Bạn có bao giờ xin ba mẹ mua thứ gì mà ba mẹ không cho mua chưa? Dù bạn thấy món đồ đó rất là chính đáng. Nghỉ dịch ở nhà mình không có bàn học nên muốn mua một chiếc bàn để tiện cho việc học nhưng bố mình không cho mua. Cảm giác rất là ấm ức, cảm thấy bố không hiểu mình, keo kiệt với mình. Nhưng những lúc như thế có bao giờ bạn đặt mình vào vị trí của bố mẹ để nghĩ chưa?
Chỉ khi đặt bản thân vào vị trí của người khác mới có thể hiểu được họ. Bố không cho mình mua là vì cái bàn đó thật sự không cần thiết. Mình có thể học ở bàn của em, học ở bàn ăn khi chưa tới bữa. Hơn nữa mình cũng chỉ học tạm vài bữa vì hết dịch mình lại lên thành phố học. Nếu nghĩ như thế thì bố không cho mình mua bàn là không có gì quá đáng cả, cũng không có gì phải ấm ức cả.
Ở những thế hệ khác nhau sẽ có những suy nghĩ, tâm lý khác nhau. Thế nên muốn xóa bỏ rào cản thế hệ thì phải hiểu được tâm lý của các thế hệ khác. Đến đây mọi người sẽ nghĩ tâm lý là phạm trù khó như thế thì làm sao hiểu được. Nhưng mọi thứ không cao siêu như bạn nghĩ đâu. Bạn chỉ cần chú ý một chút là được.
Mỗi lần trước khi định cãi lại ông bà, bố mẹ hãy thử đặt mình vào vị trí của họ trước, để xem họ đang nghĩ gì. Khi định mắng mỏ con cái hãy nghĩ xem tại sao con cái lại như thế. Tập cách hiểu người khác, nghĩ đến người khác trước, đặt mình vào vị trí của người khác. Như thế sẽ rào cản thế hệ sẽ lung lay một phần rồi lâu dần rào cản đó sẽ biến mất.
3.3. Lắng nghe thế hệ khác nói
Nhu cầu của mỗi người là muốn nói, muốn chia sẻ chuyện của bản thân mình nhưng lại quên đi người khác cũng vậy. Ai cũng có nhu cầu nói nên đừng chỉ biến họ thành nơi chứa đựng cảm xúc của bạn.
Cha mẹ, ông bà lắng nghe lời con cái thì con cái cũng nên lắng nghe ông bà, cha mẹ. Có thể mọi người không hiểu hết được nỗi lòng của nhau nhưng chỉ cần lắng nghe nhau là đủ. Khi lắng nghe là khi các thế hệ, các thành viên trong gia đình được gần nhau hơn. Hiểu những khó khăn, những áp lực, những nỗi lòng của các thành viên khác từ đó và xích lại gần nhau hơn, phá bỏ rào cản giao tiếp.
Xem thêm: Lắng nghe – Cuộc sống của bạn sẽ thay đổi
Giao tiếp để thấu hiểu nhau hơn. Tìm hiểu tâm lý để hiểu nhau. Lắng nghe để hiểu nhau. Chỉ khi hiểu nhau mới có thể cảm thông cho nhau. Muốn được gần nhau hơn để cùng chia sẻ tâm sự với nhau. Có thế mới có thể làm tan biến rào cản thế hệ, làm cho gia đình hạnh phúc vui vẻ. Rào cản thế hệ bị phá bỏ thì gia đình mới là một gia đình đúng nghĩa, là nơi để trở về, là tổ ấm không bao giờ nguội lạnh.