Học ngay 3 phương pháp sau để chữa lành tổn thương cho “đứa trẻ bên trong” bạn
Mỗi người chúng ta, dù ở lứa tuổi trưởng thành, nhưng vẫn sẽ mang trong mình một “đứa trẻ” với nhiều tổn thương, luôn đợi để được chữa lành. Đó chính là “đứa trẻ bên trong” của bạn.
Hồi ức tuổi thơ được coi là hành trang quý giá trong cuộc đời mỗi người. Nhưng ngược lại, đây cũng là một nốt trầm lặng trong lòng một ai đó. Những ký ức khiến họ chịu nhiều đau đớn, tự ti, và nghi ngờ đối với bản thân.
MỤC LỤC
1. Thế nào là “đứa trẻ bên trong” ?
Chẳng trừu tượng như tên gọi, đứa trẻ này thực ra lại rất gần gũi với mỗi người. Bởi đây chính là nội tâm, là bản ngã, là những gì thật nhất, tinh khôi nhất của chúng ta. Nơi lưu giữ những trải nghiệm và cảm xúc chân thực mà bản thân mỗi người đã trải qua từ suốt thời thơ ấu đến khi trưởng thành. Đứa trẻ vẫn luôn ở bên trong bạn. Dù là vui vẻ hồn nhiên hay tổn thương khó xóa, vẫn đang đợi được bạn tìm đến để sẻ chia và xoa dịu.
2. “Đứa trẻ bên trong” được sinh ra như thế nào ?
Để hiểu rõ hơn thì hãy ví mỗi dòng thời gian mà bạn trải qua như một viên gạch. Theo đó, từng viên từng viên đã góp phần tạo nên hình hài cũng như nuôi dưỡng nhận thức cho đứa trẻ bên trong bạn.
Những cảm xúc tích cực
Thử nhớ lại xem, lần đầu bạn được điểm 10, cảm xúc lúc ấy của bạn là như thế nào? Có phải chăng là niềm hân hoan, vui mừng. Và xen lẫn đó là chút mong chờ được nghe lời khen từ ông bà, bố mẹ. Hay lần đầu tiên biết để ý đến người bạn khác giới. Bạn có cảm thấy hồi hộp mỗi khi gặp người ta không? Hay có cảm thấy trông ngóng và đỏ mặt ngượng ngùng ?
Tất cả những cảm xúc ấy đã được gom góp mỗi ngày. Sau đó, dần dần lớn lên, trở thành những viên gạch đầu tiên. Rồi lại thật nhẹ nhàng đặt xuống để xây đắp, ấp ủ cho tâm hồn mỗi chúng ta.
Vậy nhưng, tuổi thơ không chỉ có mỗi niềm vui và sự hạnh phúc. Mà trong đó còn có cả nỗi buồn, sự cô đơn hay đôi lúc lại là những tủi hờn và giận dỗi. Những cảm xúc tiêu cực này sẽ ảnh hưởng đến quá trình hình thành tính cách của mỗi người.
Tổn thương cần xoa dịu
Giống như một đứa trẻ mong ngóng được tặng quà vào ngày sinh nhật. Nhưng nhận lại chỉ là một câu hứa: “Để sinh nhật năm sau, bố mẹ mua bù tặng con có được không ?”. Nếu là lần đầu, có thể đứa trẻ ấy sẽ không chịu mà khóc lóc. Thế nhưng khi tình trạng này diễn ra một cách thường xuyên hơn, thậm chí kéo dài suốt những năm tháng thơ ấu thì bản thân đứa trẻ sẽ dần chai sạn và không còn trông ngóng đến món quà sinh nhật như trước kia nữa.
Và cũng bởi thế, mỗi khi lặp lại tình huống ấy, họ sẽ không còn cảm thấy đây là điều khó hiểu hay đáng để bực bội và tức giận. Giống như việc không nhận được quà vào ngày sinh nhật là rất hiển nhiên và đáng lẽ phải như thế.
Đây chỉ là một ví dụ nhỏ cho tổn thương của đứa trẻ bên trong bạn. Ngoài ra còn những nỗi đau khó lành hơn với những ai đã phải trải qua một thời thơ ấu với sự ghẻ lạnh và ghét bỏ. Thậm chí trầm trọng hơn là bị xâm hại và bạo hành về cả mặt thể xác lẫn tinh thần.
Tổn thương sẽ dần tích tụ theo năm tháng và trở thành bóng ma trong lòng mỗi người. Hậu quả là gây nên những vết thương tâm lý khó chữa lành. Bạn sẽ giận buồn vô cớ, không kiểm soát được cảm xúc từ tiêu cực đến tích cực của bản thân đối với những mối quan hệ xung quanh. Tồi tệ hơn là bạn trở nên ghen tị với người khác, luôn mâu thuẫn, ghét bỏ và quên đi cách để yêu thương chính mình.
3. Cách để chữa lành “đứa trẻ bên trong”
Trên thực tế, đã có nhiều phương pháp được đưa ra để chữa lành tổn thương cho “đứa trẻ bên trong”. Tuy nhiên, không phải ai cũng có đủ sự kiên nhẫn để thấu hiểu từng nguyện vọng, mỗi nhu cầu mà đứa trẻ mong muốn được đáp ứng. Dưới đây là 3 cách hiệu quả để bạn tự học cho hành trình tìm lại bản ngã.
Đối diện với nỗi đau
Khi phải chịu đựng quá nhiều tổn thương, cơ chế tự bảo vệ của bạn sẽ được đánh thức. Điều này khiến bạn vô tình trốn chạy khỏi thực tại và che giấu nỗi đau vẫn chưa được chữa lành. Lúc này, bạn cần học cách nhìn thẳng vào sự thật. Tập cách để đối mặt với vết xước trong trái tim.
Chỉ cần chấp nhận những nỗi đau ấy, bạn sẽ trở nên mạnh mẽ và kiên định hơn. Để từ đó thích nghi được với mọi xáo trộn trong cuộc sống. Và để không một ai có thể làm bạn tổn thương mà rơi nước mắt thêm lần nữa. Hãy nhớ rằng “mỗi một vết thương đều là một sự trưởng thành” và sẽ có những hạnh phúc được đánh đổi bằng sự tổn thương. Vậy nên lựa chọn đối diện để bước tiếp về phía trước hay dừng lại và ôm ấp lấy tổn thương, quyết định là ở chính bạn.
Lắng nghe “đứa trẻ” của bạn
Bằng cách giao tiếp với đứa trẻ, bạn sẽ thấy được những nỗi đau mình đang phải chịu đựng. Hãy học lấy thói quen dành ra một khoảng thời gian cho bản thân mỗi ngày. Và sử dụng khoảng lặng ấy để lắng nghe, thấu hiểu hơn đứa trẻ bên trong mình.
Bạn có thể thực hành bằng cách viết nhật ký, viết ra những lời tâm sự trong lòng. Bạn hãy tự trả lời cho những câu hỏi, khúc mắc của bản thân. Chẳng hạn như “Bạn có đang vui không?”, “Cuộc sống bạn chọn có đang làm bạn hạnh phúc?”. Nếu có, hãy tiếp tục tin tưởng và nỗ lực hơn nữa cho tương lai mà bạn đang hướng đến. Nhưng nếu câu trả lời là không, thì điều bạn cần làm lúc này là hãy sống chậm lại. Chậm lại một chút để nhận rõ mình đang thực sự cần gì. Tiếp đó, hãy thử thách chính bạn với niềm đam mê và yêu thích bấy lâu.
Hãy chọn cách sống vì bản thân bạn trước tiên chứ không phải là sống hộ cho cuộc đời của bất kỳ ai. Như vậy, bạn đang dần học được cách lắng nghe bản thân. Và chia sẻ nhiều hơn với đứa trẻ đang mang trong mình những tổn thương cần xoa dịu.
Yêu thương bản thân
Yêu bản thân, nói ra thật dễ nhưng để làm được lại không hề đơn giản chút nào. Hãy học cách đối xử với bản thân thật nhẹ nhàng và tha thứ cho những lỗi lầm đã qua.
Hãy học cách để trân trọng chính mình hơn. Nhờ đó, bạn sẽ nhận ra những giá trị riêng của bản thân. Và giúp bạn trở nên tự tin, cởi mở hơn với mọi người xung quanh.
Song song với đó, hãy bỏ qua những điều cũ làm bạn chán nản, mệt mỏi. Thử tìm cho mình những thói quen mới. Hoặc học thêm những kỹ năng giúp bạn trở nên tốt hơn mỗi ngày. Tuy nhiên, làm mới bản thân không phải là bạn quên đi bản chất vốn có của mình. Hay cố gắng học theo bản sao của một ai đó khác. Thay vào đó, làm mới ở đây là để bạn sống tốt hơn và trở thành một phiên bản hoàn hảo hơn của chính mình.
Như vậy, với 3 cách làm trên, bạn đã tự học được cách để chữa lành tổn thương cho “đứa trẻ bên trong”. Tuy nhiên, mọi cách sẽ đều không có tác dụng nếu bạn không có được sự kiên nhẫn trên hành trình đầy gian nan này. Do đó, hãy chữa lành “đứa trẻ” với một lòng bao dung cũng như yêu thương sâu sắc, bạn nhé !
~ Yuuko ~