Bạo lực ngôn ngữ là gì? Hậu quả của bạo hành bằng ngôn ngữ
Bạo lực chính là những hành động của con người mang xu hướng bạo lực. Tuy nhiên hiện nay, bạo hành không chỉ thể hiện qua hành động mà còn thể hiện thông qua lời nói gọi là bạo hành bằng ngôn ngữ. Những hậu quả của nó cũng nặng nề, thậm chí còn tổn hại gấp nhiều lần so với bạo lực bằng hành động.
MỤC LỤC
Bạo lực ngôn ngữ là gì? (Bạo hành bằng lời nói là gì?)
Người ta nói rằng, ngôn ngữ chính là thứ vũ khí đáng sợ nhất trên cuộc đời này. Vết thương ngoài da rồi cũng có ngày lành lại, còn những tổn thương do lời nói gây ra sẽ in hằn mãi mãi.
Thay vì dùng những hành động để làm tổn thương thể xác của một cá nhân hoặc nhóm thì công cụ chính của việc bạo hành ngôn ngữ lại là lời nói. Họ sử dụng lời nói với tính chất tiêu cực, sỉ nhục, lăng mạ thậm chí có cả trường hợp công kích tự tử và gây ra những hậu quả đáng tiếc.
Các cụ ta có câu “Lời nói đọi máu”. Một lời nói có thể cứu sống một người nhưng cũng có thể giết chết một người. Đôi khi một vài lời nói đùa, đôi ba câu trách mắng vu vơ mà chúng ta nghĩ là vô hại lại khiến cho người nghe tổn thương nặng nề.
Các biểu hiện của việc bị bạo hành ngôn ngữ
Khi một cá nhân bị ám ảnh của việc luôn bị bạo hành bằng ngôn ngữ, sẽ gây ra những biểu hiện bất thường và có xu hướng suy nghĩ tiêu cực và hành hạ bản thân mình.
Lúc nào cũng có cảm giác bất an, sợ hãi những thứ xung quanh và thường sẽ nhốt mình lại, hạn chế giao tiếp. Dần dà, dẫn đến hệ lụy đáng sợ hơn đó chính là bản thân họ cũng nghĩ những lời nói đó dành cho mình là đúng.
Càng ngày sẽ càng đánh giá thấp bản thân, không có mục tiêu trong cuộc sống, họ tự chế giễu mình bằng những câu nói tiêu cực .
Đôi khi đánh mất cả cảm xúc, vui buồn khá thất thường và không kiểm soát được hành động và suy nghĩ của bản thân.
Có rất nhiều trường hợp đáng tiếc như vậy xảy ra hằng ngày xung quanh chúng ta. Điều đáng buồn là những trường hợp như vậy càng ngày càng nhiều nhưng lại có mấy ai quan tâm hoặc lo lắng thật sự với vấn đề đáng báo động này.
Nếu như bạo hành bằng vũ lực có pháp luật can thiệp thì bạo hành ngôn ngữ lại không. Đó cũng là một trong hàng trăm lý do khiến cho việc bạo hành ngôn ngữ là được phép sử dụng.
Các hành vi bạo lực ngôn ngữ trong xã hội hiện nay
Hành vi bạo hành ngôn ngữ không rõ ràng, có thể do cố tình hoặc đôi khi vô ý bạn cũng đang gián tiếp thực hiện hành vi bạo hành ngôn ngữ với người khác, dưới đây là một số hành vi cụ thể:
- Đặt biệt danh xấu cho người khác: Đối tượng bạo hành sẽ chú ý đến những đặc điểm xấu của người khác để cố tình đặt một biệt danh nào đó cho họ. Nếu biệt danh này khiến cho bạn cảm thấy tự ti với chính mình và mọi người xung quanh thì có thể bạn đang bị bạo hành lời nói.
- Luôn tìm mọi cách để khiến người khác cảm thấy ngượng ngùng: Những người bạo hành lời nói thường có xu hướng sử dụng những ngôn ngữ mỉa mai, châm biếm, chế nhạo về cách ăn mặc, vóc dáng, ngoại hình, sở thích của người khác nhằm mục đích hạ thấp và làm cho người đó cảm thấy xấu hổ. Hành động này có thể xảy ra ở những nơi riêng tư hoặc kể cả những chỗ đông người.
- Trêu ghẹo: Thông thường những đối tượng này sẽ có sở thích trêu đùa, chọc phá người khác bằng những câu nói mà họ cho rằng vui nhộn, hài hước. Tuy nhiên, nếu những từ ngữ mà họ sử dụng không thể khiến cho đối phương cảm thấy vui vẻ, thoải mái thì đó có thể gọi là bạo lực lời nói.
- Luôn chỉ trích: Cho dù là ở chỗ riêng tư hay là nơi công sở, đông người thì những lời nói chỉ trích không mang tính xây dựng cũng có thể khiến cho người khác cảm thấy bị xúc phạm và tổn thương. Đây cũng được xem là một trong các hành vi bạo hành lời nói mà nhiều người hay gặp phải.
- Thường xuyên lớn tiếng: Việc la hét, nói chuyện lớn tiếng hoặc sử dụng những từ ngữ, lời nói không lịch sự, thô lỗ để trò chuyện cùng người khác cũng là một hành vi bạo lực bằng lời nói.
- Đe dọa: Hình thức đe dọa dù chỉ bằng lời nói, ngôn ngữ cũng có thể được xem là hành vi bạo hành nghiêm trọng. Những lời nói mang tính chất đe dọa, khủng bố, tra tấn sẽ làm người khác cảm thấy lo lắng, sợ hãi, dễ dàng bị kiểm soát và thao túng.
- Buộc tội, đổ lỗi: Đây cũng được xem là một trong các hành vi bạo hành bằng lời nói khiến cho nhiều người cảm thấy bị tổn thương và hạ thấp danh dự. Người bạo hành thường sử dụng những lời nói nhằm mục đích buộc tội một ai đó với những tình huống vô lý hoặc ngoài ý muốn.
Một số ví dụ về bạo lực ngôn từ:
Trọng Đức (sinh năm 2001, ĐH Văn Lang) cảm thấy ngột ngạt vì câu nói của bố “bằng tuổi mày chúng nó đã kiếm ra tiền rồi” và sự so sánh hơn thua với hình tượng “con nhà người ta”. Mỗi lần bố đưa anh lên “bàn cân” để so sánh, Đức buồn và suy nghĩ rất nhiều.
Ngày còn học cấp 2 rất nhiều lần Nam đứng trước gương bất lực bật khóc vì những lời miệt thị, chê bai ngoại hình. Anh nhớ lại: “Ngày đó da mình đen, mặt dậy thì lên mụn rồi ngoại hình cũng không có gì nổi bật cả. Có người nói là “quá xấu để làm người mẫu”, nhưng chính những lời nói đó đã khiến mình hoàn thiện bản thân, theo đuổi được ước mơ trở thành người mẫu ảnh.
Hậu quả của bạo lực ngôn ngữ
Lời nói có thể được ví mỏng nhẹ như một tờ giấy trắng và dễ dàng bị quên đi. Nhưng lại có những người sử dụng chính lời nói của mình để công kích, sỉ nhục một ai đó dù việc đó không đem lại cho họ một lợi ích gì, nhưng đối với người bị công kích, những lời nói đó giống như một tảng đá rất nặng trong tâm hồn họ. Và từ đó, họ có thể bị tổn thương tinh thần và cảm xúc của chính mình. Đó là một trong rất nhiều hậu quả của bạo hành bằng ngôn ngữ.
Suy nghĩ tiêu cực
Một trong những hậu quả của bạo hành bằng ngôn ngữ dễ dàng tiếp cận nhất đó chính là suy nghĩ. Nếu lời nói đó ở bên trong họ một thời gian dài, nó có thể điều khiển được suy nghĩ của chính họ.
Lời nói có thể tác động nhanh đến mức biến họ từ một người hoạt bát, vui vẻ lại trở thành một người buồn bã và tiêu cực . Tâm trạng họ thay đổi rất nhanh và vô cùng khó chịu và nóng nảy. Khiến họ cảm thấy xung quanh là những điều tiêu cực và rồi họ có những suy nghĩ tiêu cực đối với cuộc sống của mình.
Suy nghĩ tiêu cực có thể dẫn đến trầm cảm và rối loạn lo âu và có nguy cơ dẫn đến bệnh Alzheimer.
Tổn thương tinh thần
Tinh thần là những hoạt động đời sống thuộc về nội tâm của con người và có thể còn có thể gọi là năng lượng của cuộc sống. Nó cũng góp phần không nhỏ trong cuộc sống thường ngày của chúng ta.
Vậy một khi tinh thần bị tổn thương thì có nghĩa là nội tâm của họ cũng bị tổn thương. Khi bị bạo hành bằng ngôn ngữ thì họ sẽ không còn tinh thần để làm bất cứ việc gì cho dù đó là hoàn thành mục tiêu của họ.
Tổn thương tinh thần khiến họ gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Luôn cảm thấy mệt mỏi với cuộc sống, bế tắc và khó đưa ra được những lựa chọn mang tính chất quyết định khiến chất lượng cuộc sống giảm xuống đáng kể.
Ảnh hưởng đến cảm xúc
Đặc biệt, bạo hành ngôn ngữ ảnh hưởng trực tiếp đến cảm xúc của bản thân và họ rất khó để kiểm soát được cảm xúc của chính mình. Họ luôn trong tình trạng lo lắng quá mức, căng thẳng và thậm chí là vui buồn thất thường.
Cảm xúc của họ bị lẫn lộn của tức giận, sợ hãi và cả nhục nhã. Họ luôn muốn tìm cách thoát ra khỏi những cảm xúc này nhưng họ lại không làm được.
Có những trường hợp, họ lại đẩy những cảm xúc bị ảnh hưởng của mình vào người khác. Họ luôn cảm thấy nóng giận và khó chịu với tất cả những người xung quanh. Họ dùng chính những lời nói khiến bản thân bị tổn thương và nói với những người yêu thương họ khiến họ ngày càng trở nên xa cách.
Bạo lực ngôn ngữ thật sự đã đem lại những hậu quả đáng tiếc và trong xã hội ngày nay thì vấn đề này đang ở mức đáng báo động khi mà mạng xã hội ngày càng phát triển. Hãy dừng lại trước khi quá muộn vì biết đâu sẽ có lúc bản thân chúng ta trở thành nạn nhân của bạo hành bằng ngôn ngữ.