Quyết tâm đi ngủ sớm
BLOG Đời Sống Kiến Thức

Thức khuya – thói quen nguy hiểm của giới trẻ hiện nay

4/5 - (5 bình chọn)

Thức khuya hầu như đã trở thành thói quen khó bỏ của đại bộ phận giới trẻ ngày nay. Người ta có thể thức khuya vì nhiều lý do khác nhau. Chẳng hạn như học tập, công việc, chơi game với bạn bè, nhắn tin với người yêu,… Hay đơn giản chỉ là do yêu thích sự yên ắng của màn đêm mà không muốn đi ngủ sớm. Dù vì lý do nào đi chăng nữa, thức khuya vẫn là một thói quen không lành mạnh và gây ra nhiều tác hại cho sức khoẻ  của chúng ta.

1. Giới trẻ ngày nay thức khuya như thế nào?

Nói đến thức khuya, thì chắc hẳn ai trong chúng ta, những thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 15 đến 30 ít nhiều cũng đã trải qua. Có người thì chỉ thức được đến khoảng 12 giờ là mắt díu lại, không thể cố được nữa thì mới chịu đi ngủ.

Nhưng bên cạnh đó, có những cô bạn, cậu bạn còn phải khiến người ta há hốc mồm vì “tài” thức khuya của mình. Có bữa chạy deadline đến 2-3h sáng mà hôm sau đến lớp vẫn tỉnh táo học bài. Đến ngày nghỉ thì lại ôm laptop lên giường cày phim. Cho đến khi ánh mặt trời le lói qua khung cửa thì mới chịu đi ngủ. Nói chung, thức khuya ngủ ngày đã và đang là một thói quen phổ biến trong giới trẻ hiện nay.

Các bậc phụ huynh cũng không ít lần đau đầu khi nhắc đến vấn đề này của con em mình. Nhất là khi các bạn học online, làm việc tại nhà và vô tình mang nguyên cái nếp sống tự do hồi còn ở trọ về. “Con gái con lứa! Cả ngày ngủ trương thây lên như này thì sau ai rước mày hả con?”.

Những câu than vãn kiểu này hẳn nhiều bạn đã nghe đến phát chán rồi nhỉ? Nhưng cha mẹ nói vậy là vì quan tâm đến sức khoẻ của chúng mình thôi. Một phần là vì nếp sống điều độ đã theo họ cả chục năm nay rồi nên ắt sẽ thấy khó hiểu về lối sống của giới trẻ ngày nay. Vậy nên hãy thông cảm cho họ, đừng để việc đó dẫn tới các cuộc cãi vã không đáng nha!

2. Vì sao thức khuya lại trở thành thói quen của giới trẻ?

– Áp lực học tập và công việc

Đối với các bạn học sinh, sinh viên, một cốc cà phê luôn thường trực trên bàn là dấu hiệu những ngày thi cử đang đến gần. Ở các trường học, đặc biệt là tại các thành phố lớn, áp lực luôn đè nặng lên các bạn. Muốn đạt được thành tích tốt thì học ở trên lớp, ở trung tâm vẫn chưa đủ. Có những bạn, 9 giờ tối từ trung tâm trở về, ăn uống tắm rửa vội vàng rồi lại lao vào bàn ôn bài đến tận khuya. Đến sáng hôm sau thì mệt mỏi nhấc đầu lên khỏi tập đề, rồi rệu rã bước đến lớp.

Áp lực học tập và công việc

Còn với các bạn sinh viên cũng không khấm khá gì hơn. Mang tiếng là học đại học “nhàn” lắm nhưng hễ đến mùa thi thì mới động vào sách vở. Rồi cố thức trắng một hai đêm nhồi nhét kiến thức vào đầu. Chưa kể mỗi khi trường hay câu lạc bộ có sự kiện lớn thì y như rằng sẽ bị deadline dí cho chạy không kịp. Nhiều hội bạn phải rủ nhau đi cafe thâu đêm để giúp đỡ nhau hoàn thành tiến độ công việc.

– Giải trí “bù” sau ngày làm việc vất vả

Sau một ngày làm việc mệt mỏi, bạn nằm dài trên giường, tay cầm chiếc điện thoại chơi “nhẹ” mấy ván game rồi xem tiếp bộ phim yêu thích. Mặc dù mí mắt như muốn sụp xuống nhưng bạn vẫn không thể rời khỏi cái màn hình điện thoại. Bạn cảm thấy bấy nhiêu đây chưa đủ để bù đắp lại khoảng thời gian mình vất vả ban ngày. Và bạn muốn chơi nữa, chơi nữa cho quên đi bài tiểu luận sắp phải nộp hay núi báo cáo ngày mai phải làm cho sếp.

Theo trang Sleep Foundation, hiện tượng con người hi sinh giấc ngủ cho thời gian giải trí do sự thiếu hụt về quỹ thời gian rảnh rỗi trong ngày được gọi là “Revenge bedtime procrastination”. Tạm dịch là “Sự trả thù với việc trì hoãn giờ đi ngủ”. Hội chứng này xảy đến khi con người cảm thấy phải chịu quá nhiều căng thẳng mà thiếu đi khoảng thời gian thư giãn, vui chơi.

Do vậy, họ mang tâm lý “trả thù cuộc sống” đã khiến mình quá mệt mỏi bằng cách hi sinh thời gian ngủ để làm những điều mình thích. Đến hôm sau tỉnh dậy với cơ thể và tinh thần rệu rã, họ lại cật lực làm việc, mệt mỏi và tiếp tục “trả thù đời”… Tất cả tạo thành một vòng lặp không hồi kết.

– Yêu thích sự tĩnh lặng vào ban đêm

Đây có lẽ là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến thói quen thức khuya của các bạn trẻ. Tạm rời xa nhịp sống vội vã, đắm chìm vào thế giới của riêng mình trong màn đêm tĩnh mịch. Những lúc ấy, họ được lắng nghe chính mình: về khoảng thời gian trong quá khứ họ đã trải qua. Những kỉ niệm, do cuộc sống tấp nập này mà họ đã tạm quên đi mất từ lúc nào. Hay cả nỗi lo về tương lai, những bộn bề của cuộc sống sau này… Cứ như vậy, họ tận hưởng sự cô đơn, yêu thích cái khoảng thời gian dường như trôi chậm lại. Để rồi thức khuya vô tình trở thành một thói quen ăn sâu vào lối sống của họ, không thể dứt ra được…

Yêu thích sự tĩnh lặng vào ban đêm

– Đồng hồ sinh học bị đảo lộn

Bạn đã từng bao giờ hạ quyết tâm rằng tối nay phải đi ngủ thật sớm nhưng lên giường thì mắt cứ mở thao láo chưa? Vậy bạn không cô đơn đâu vì đi ngủ sớm thực sự là thử thách đối với nhiều “cú đêm”. Người ta từng nói các thói quen xấu thì hình thành rất dễ nhưng để bỏ thì vô cùng khó. Khi ta thức khuya trong một khoảng thời gian dài, cơ thể sẽ cố gắng thích nghi với nhịp sống. Từ đó hình thành nên thói quen “sống theo giờ Mỹ”… khiến ta dù có muốn ngủ sớm cũng không thể quay lại được nhịp sống trước kia trong ngày một ngày hai. Nếu không  cố gắng thay đổi thì ta sẽ trượt dài mãi theo hướng “ngủ ngày cày đêm” này!

3. Chừng nào còn coi thường sức khỏe, người trẻ vẫn luôn có nguy cơ đối mặt với Tử thần!

Giới trẻ thường mang tâm lí rằng: “Vì mình còn trẻ nên hy sinh sức khỏe một chút cũng không sao, để sau này được sung túc, nhàn  hạ” hay là “Thức có mấy hôm, có chết ai đâu mà phải lo?”.  Nhưng các bạn đã lầm! Dù bạn có trẻ, có khỏe nhưng với lối sống thiếu lành mạnh, thì tác hại của thức khuya kéo dài sẽ không chỉ dừng lại ở lên mụn hay đau dạ dày đâu…

Ung thư, đột quỵ có thể tìm đến bạn bất cứ lúc nào trong khi bạn không hề hay biết!

Chắc hẳn vào năm 2010, các bạn đã từng nghe từ các trang tin tức: Sinh viên N.T.Đ của trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) phát hiện chết ngay trong nhà trọ với nguyên nhân tử vong là đột tử do chơi game quá khuya.

Chưa dừng lại ở đó, theo trang báo Vietnamnet.vn, vào ngày 19/04/2011, một nữ tiến sĩ 32 tuổi người Trung Quốc tên Vu Quyên đã qua đời vì căn bệnh ung thư vú. Đáng chú ý là cô ấy có thói quen ngủ rất muộn trong suốt 10 năm. Hầu như cô ấy không bao giờ ngủ trước 12 giờ đêm. Kể cả có là sớm, thì cũng chưa từng ngủ trước 1 giờ sáng. Khi tiến hành xét nghiệm thì Vu Quyên nhận được kết quả gan có chỉ số rất cao. Cô rất bất ngờ vì trước đó bản thân không hề có triệu chứng gì của bệnh. Bác sĩ đã giải thích cho cô ấy rằng đêm là thời gian để gan thải độc. Thức khuya kéo dài khiến quá trình này bị rối loạn dẫn đến suy giảm chức năng của gan.

Xem thêm:[TẢN VĂN HAY] – ĐỒNG TIỀN 2 MẶT

4. Vậy làm thế nào để có thể đi ngủ sớm đây?

– Nhận thức được tầm quan trọng và quyết tâm đi ngủ sớm

Quyết tâm đi ngủ sớm

Như đã nói ở trên, thức khuya là một thói quen không tốt. Để hình thành nó thì rất dễ, còn để bỏ thì vô cùng khó. Việc đi ngủ sớm sẽ là thử thách một khi bạn đã quen thức khuya trong thời gian dài. Bạn cần phải xác định được rằng: Để có thể khoan khoái đón những tia nắng đầu ngày, hít thở không khí trong lành của buổi sớm mai thì mình phải đi ngủ ngay bây giờ!

Hãy tưởng tượng khi ngủ sớm dậy sớm đã trở thành thói quen của bạn. Sức khỏe được cải thiện, ngày nào thức dậy bạn cũng có nguồn năng lượng dồi dào cho ngày mới thay vì phải lọ mọ đi làm đồ ăn trưa như ngày trước. Một khi đã có động lực, hãy thiết lập thời gian ngủ cho mình và quyết tâm tuân theo nó! Chỉ có sự quyết tâm mới có thể giúp bạn chống lại được sức hấp dẫn của màn đêm kia. Còn không, bạn sẽ thất bại nhanh chóng và thậm chí có thể thất bại ngay từ khi bắt đầu!

– Tập thể dục, chơi thể thao

Tập thể dục hay chơi thể thao không chỉ giúp chúng ta duy trì vóc dáng mà còn là một cách để cải thiện giấc ngủ. Khi tiêu hao năng lượng vào ban ngày, cơ thể sẽ cảm thấy mệt và có nhu cầu nghỉ ngơi. Từ đó, chúng ta dễ đi vào giấc ngủ, ngủ được lâu và sâu hơn.

Tuy nhiên, không nên tập các bài tập nặng vào buổi tối, trước giờ đi ngủ. Bởi khi vận động mạnh thì nhiệt độ cơ thể tăng lên, thần kinh được kích thích và não bộ hưng phấn khiến chúng ta khó ngủ. Tốt nhất, hãy duy trì thói quen tập thể dục đều đặn hàng ngày. Và hãy nhớ thực hiện vào buổi sáng hoặc chiều muộn mát mẻ bạn nhé!

– Nghe nhạc hoặc đọc sách

Bạn có còn nhớ… Hồi nhỏ, bạn thích được mẹ hát ru hay kể cho một câu chuyện cổ tích. Nằm nghe một lúc,  bạn chìm vào giấc ngủ từ khi nào không hay. Giờ hãy thử điều đó với chính mình của hiện tại xem sao! Đọc sách, nghe nhạc là những thói quen rất tốt giúp đầu óc bạn thư giãn trước khi đi ngủ.

Khi đọc sách, ta được đắm chìm vào câu chuyện của các nhân vật, tạm quên đi bao lo toan trong cuộc sống. Sau một hồi mân mê các con chữ, đôi mắt ta dần khép lại… Báo hiệu cho ta biết cơ thể đã mệt, hãy đặt lưng xuống và mơ những giấc mơ đẹp.

Khi nghe nhạc, những giai điệu nhẹ nhàng sâu lắng sẽ xoa dịu tâm hồn bên trong bạn. Bạn nên nghe những bài hát không lời vì khi chỉ còn ta với âm nhạc, cơ thể bỗng trở nên thật nhẹ nhàng, như chính bản nhạc mà ta đang nghe.

Nghe nhạc giúp dễ ngủ hơn– Nói “không” với thiết bị điện tử khi đã lên giường

Thói quen sử dụng laptop, điện thoại,… trước khi ngủ ảnh hưởng xấu đến chất lượng giấc ngủ của bạn.

Thứ nhất, ta bị cuốn vào những màn combat trong game hay drama nối tiếp nhau xuất hiện trên mạng. Điều này làm ta không thể đặt điện thoại xuống để đi ngủ sớm được.

Thứ hai, hoạt động trong thế giới ảo một thời gian khiến não bộ hưng phấn trở lại. Từ đó mà tạm thời làm mất đi cảm giác buồn ngủ.

Thứ ba, ánh sáng xanh từ màn hình thiết bị điện tử ức chế quá trình sản xuất Melatonin – một loại hormone giúp con người dễ đi vào giấc ngủ.

Với các lý do trên thì hẳn bạn đã sẵn sàng bỏ điện thoại xuống rồi trèo lên chiếc giường ấm áp của mình rồi nhỉ ^^

– Không ngủ trưa quá 30 phút

Ngủ trưa là một thói quen tốt, giúp cơ thể thư giãn và hồi phục năng lượng. Tuy vậy, ngủ trưa quá sâu khiến cho ta cảm thấy mệt mỏi khi thức dậy vào buổi chiều. Bên cạnh đó, thời lượng ngủ vào ban ngày quá nhiều có thể gây ra hiện tượng rối loạn giấc ngủ vào ban đêm. Thậm chí còn làm trầm trọng hơn tình trạng mất ngủ ở những người đã có tiền sử bệnh. Do đó, các bạn chỉ nên ngủ trưa khoảng 30 phút thôi và hạn chế việc ngủ ngày nha!!!

Xem thêm: 5 cách thay đổi bản thân để sống tốt hơn 

Trong những năm tháng của tuổi trẻ, quả thật không thể không kể đến quãng thời gian thức khuya học tập và làm việc. Nhưng mọi thứ nên có giới hạn của nó. Đừng để vì tập trung cho sự nghiệp tương lai mà lơ là đi sức khỏe của mình bạn à. Hãy yêu thương chính mình! Bởi vì, chỉ bản thân mới đồng hành cùng bạn đến hết cuộc đời chứ không phải một ai khác!

Love yourself <3