Lòng tin là gì? Sự hình thành, củng cố và “vỡ tan” của lòng tin
Lòng tin hay sự tin tưởng là sợi dây quan trọng đóng vai trò gắn kết mọi người với nhau. Nếu không có lòng tin, con người sẽ luôn cảm thấy lo sợ, luôn cảm thấy mọi người xung quanh lừa gạt mình, từ đó dẫn đến “e dè’ với cuộc sống. Hiểu đúng ý nghĩa lòng tin là gì cũng như cách để xây dựng và củng cố lòng tin sẽ giúp cuộc sống của bạn trở nên tốt đẹp hơn.
MỤC LỤC
Lòng tin là gì?
Lòng tin được định nghĩa là việc chúng ta đặt niềm tin vào một người, một vật hay một sự việc nào đó. Lòng tin không phải là một khái niệm được trả lời có hoặc không mà lòng tin là một quá trình, được đo lường bằng mức độ thể hiện. Chẳng hạn như bạn chỉ có thể tin vào điều gì đó nhiều hay ít, mức độ tin của bạn đang đến đâu.

Lòng tin là thứ gắng kết tình cảm của con người với nhau, tạo nên sự sẻ chia, đồng cảm và thôi thúc hành động trong cuộc sống. Trên thực tế, không phải lòng tin chúng ta chỉ dành cho những người chúng ta thật sự thân, thật sự quen biết mà nó còn dành ngay cả đối với bất kỳ mối quan hệ nào xoay quanh cuộc sống của chúng ta. Nó cho dù là thời gian ngắn hay dài, dù chúng ta có thân thiết hay không thì lòng tin đó vẫn luôn được xây dựng và tồn tại:
- Lòng tin đối với người xin ăn: Đây là một ví dụ điển hình của việc chúng ta trao lòng tin. Bởi thực chất những người ăn xin ấy chỉ là người mà có lẽ chúng ta chỉ mới gặp lần đầu. Nhưng vì chúng ta tin rằng họ khó khăn, họ đang cần chúng ta cho nên ta sẵn sàng cho đi mà không hề tiếc nuối.
- Lòng tin đối với người bán hàng: Lòng tin vẫn tồn tại giữa chúng ta đối với những người bán hàng bởi lẽ chúng ta chỉ mua hàng khi tin rằng hàng hóa của họ tốt và giá cả phải chăng. Nếu chúng ta không đặt niềm tin tưởng vào người bán hàng thì chắc chắn rằng việc chúng ta ra quyết định mua là một điều hết sức khó khăn.
- Lòng tin đối với người thân: Mọi người hay nói rằng “chúng ta có trăm ngàn lối đi, nhưng chúng ta chỉ có một lối về duy nhất đó là nhà”. Bởi nhà là nơi người thân của chúng ta vẫn luôn ở đó, luôn bao dung và sẵn sàng chở che cho ta. Chính vì chúng ta có lòng tin đối với người thân, đối với nhà mình, ta tin rằng họ luôn ủng hộ ta hết mình, luôn sẵn sàng tha thứ khi ta mắc phải lỗi lầm nên chúng ta luôn có cảm giác thoải mái nhất khi ở trong vòng tay của gia đình.
Tuy rằng lòng tin luôn tồn tại, luôn song hành trong cuộc sống của chúng ta nhưng những lòng tin ấy rất dễ bị ảnh hưởng bởi yếu tố môi trường. Mọi hoạt động sống hay trải nghiệm của chúng ta đều có thể gây tác động tích cực hay tiêu cực đến lòng tin. Hay nói cách khác, tùy vào từng hành động của con người mà sẽ có thể làm cho lòng tin đối với nhau tăng hoặc giảm.

Hiểu về “Thang điểm” của lòng tin
Lòng tin thường được đo lường bằng một “thang điểm” thể hiện. Thang điểm này không phụ thuộc vào mối quan hệ, hay thời gian chúng ta quen biết họ lâu hay chưa mà nó phụ thuộc vào cách mà cách hành xử của cả hai phía từ trong quá khứ cho đến hiện tại. Đó là cách hành xử của bạn và đối phương từ thời điểm hình thành lòng tin, quá trình củng cố lòng tin cho đến những hành động làm “tan vỡ” lòng tin.
Sự hình thành của lòng tin
Để hiểu được thang điểm của lòng tin là gì một cách cặn kẽ nhất, đầu tiên chúng ta cần hiểu đúng sự hình thành của lòng tin là gì, nó có những yếu tố nào. Như bao sự vật, hiện tượng ở trên đời này, lòng tin cũng không “bỗng dưng” mà có, mà nó được hình thành trong suốt cuộc đời của mỗi con người thông qua các hệ sinh thái xung quanh như:
- Từ yếu tố môi trường xung quanh: Khi bạn tồn tại trong một môi trường mà xung quanh toàn là những người có lối suy nghĩ tiêu cực, dần dà lối sống ấy sẽ tác động đến quan điểm và hành động của bạn, tạo cho bạn một lòng tin rằng cuộc sống này toàn là những điều tồi tệ. Ngược lại, nếu xung quanh bạn là những người luôn có ý chí, khát vọng và nỗ lực vươn lên thì bạn sẽ hình thành cho mình một lòng tin rằng nỗ lực của bản thân mình sẽ đạt tới thành công.
- Từ nền tảng kiến thức: Bạn càng tích lũy nhiều kiến thức, càng khám phá ra được nhiều năng lượng, điểm mạnh của bản thân thì bạn sẽ càng tin tưởng bản thân mình, tin tưởng rằng mình chắc chắn sẽ đạt được điều mà mình mong muốn.
- Từ những biến cố và bài học rút ra: Lòng tin cũng sẽ dần được hình thành sau quá trình bạn gặp phải những biến cố. Chẳng hạn như khi bạn đang làm ăn phát đạt, bạn sẽ chẳng tin vào vận may rủi. Ngược lại, khi bạn lỡ “sa cơ”, có thể bạn sẽ tin rằng làm ăn cần may mắn, do bản thân mình chưa đủ may mắn mà thôi. Đây là một cách hình thành lòng tin giúp bạn an ủi bản thân mình.
- Từ những điều bạn tận mắt nhìn thấy: Một xu hướng hình thành lòng tin nữa đó là từ những điều mà mình chứng kiến. Bởi con người chúng ta sẽ có xu hướng hình thành lòng tin từ những gì mình tận mắt nghe thấy hơn là những gì chỉ được nghe lại qua lời kể.
Sự hình thành lòng tin không phải là một quan điểm tĩnh mà nó luôn vận động theo dòng thời gian và sự kiện. Thông qua sự luân chuyển của các yếu tố kể trên, có thể sẽ có lúc bạn bác bỏ lòng tin ở một khía cạnh nào đó và dần hình thành cho mình một hệ tư tưởng, một niềm tin mới.

Quá trình củng cố lòng tin
Sau khi đã hình thành được hệ tư tưởng, lòng tin, bước tiếp theo chúng ta cần làm đó là củng cố lòng tin này. Vậy quá trình củng cố lòng tin là gì? Quá trình củng cố niềm tin là việc chúng ta không ngừng hành động để giữ vững lòng tin đã hình thành từ trước. Việc củng cố lòng tin sẽ trải qua 3 bước sau:
- Thứ nhất, hãy nuôi dạy, tu dưỡng tư tưởng của chính bạn thân mình. Việc này có nghĩa là bạn đừng bao giờ nuông chiều bản thân mình mà hãy luôn hướng mình sống trở thành một người tử tế. Bởi khi hướng bản thân mình trở thành một người tử tế thì từng ánh mắt, cử chỉ và hành động của bạn khi làm việc và giao tiếp đều toát lên được lòng tin của mình đối với người khác.
- Thứ hai, hãy để hành động thay cho lời nói của bạn. Bởi bạn muốn nhận được sự tin tưởng lâu dài của mọi người thì điều cốt lõi rằng bạn phải hành động. Có hành động, có phát huy được những tài năng sẵn có của mình thì người khác mới cảm thấy rằng bạn là người đáng để tin tưởng.
- Thứ ba, đừng trở nên chủ quan và tự kiêu khi đã có được lòng tin của ai đó bởi lòng tin được hình thành không có nghĩa là nó không bị mất đi. Vì thế, đừng bao giờ tự kiêu hay tỏ thái độ đối với mọi người khi mình đang ở vị trí cao mà hãy luôn cố gắng hơn nữa để giữ vững lòng tin ấy đối với mọi người.
Bởi lẽ nếu lòng tin không được trải qua quá trình củng cố, nó rất khó để tồn tại bền vững. Vì thế, hãy luôn đặt mình trong trạng thái “động” và tiến hành củng cố niềm tin thường xuyên bạn nhé!

Sự “tan vỡ” của lòng tin
Lòng tin được hình thành mà không trải qua quá trình củng cố thì rồi một ngày nó sẽ “tan vỡ”. Lòng tin sẽ tan vỡ khi một người liên tục gặp phải sự lừa dối trong cuộc sống. Giống như 1 đứa bé, bạn hứa cho nó một cái kẹo thì nó sẽ tin lần một, lần hai. Nhưng hết lần này đến lần kia đứa bé ấy vẫn không nhận được cái kẹo nào từ bạn thì đấy là khi lòng tin của đứa bé dành cho bạn chẳng còn ý nghĩa gì nữa.
Lòng tin có hai dạng đó là lòng tin dành cho bản thân mình và lòng tin dành cho người khác. Những người thiếu tự tin không phải vì bản chất lúc đầu họ không có lòng tin mà bởi họ bị chê trách rất nhiều lần. Góp nhặt lại từ những lần chê trách đấy, họ sẽ dần bị áp lực và mất đi lòng tin ở chính bản thân mình.
Cách để chúng ta xây dựng lòng tin đối với người khác
Có 2 trường hợp xây dựng lòng tin với người khác mà bạn cần chú ý.
- Thứ nhất xây dựng lòng tin đối với một người ngay từ ban đầu.
- Thứ 2 là xây dựng lại lòng tin với một người đã bị đánh mất niềm tin.
Nhưng suy cho cùng, dù là trường hợp xây dựng lòng tin là gì thì bạn cũng cần phải để ý đến cách cư xử của bản thân mình đối với họ. Để cho người khác có được niềm tin vào mình thì bắt buộc bạn cần phải hành động và chứng minh cho người xung quanh cảm nhận được bạn là người có thể tin tưởng. Có rất nhiều cách để xây dựng lòng tin với người khác có thể kể đến như:
Học cách để xây dựng thương hiệu cho riêng mình
Thương hiệu cá nhân là việc mọi người nhìn nhận bạn và nói về bạn. Nó đóng vai trò to lớn trong việc xây dựng lòng tin đối với người khác. Lòng tin này sẽ được xây dựng từ từ thông qua những đầu tư đúng đắn của bạn cho chính bản thân bạn như là đầu tư về kiến thức, về kỹ năng chuyên môn, về khả năng nhìn nhận, đàm phán, cư xử với mọi người,…

Bởi lẽ bạn thử nghĩ mà xem, nếu bạn là một người bình thường, bạn bảo người khác đầu tư tiền bạc vào bạn để bạn kinh doanh thì có mấy ai sẽ là người đầu tư cho bạn? Ngược lại, nếu bạn là một người có chuyên môn, có kiến thức về kinh doanh và đạt được những thành tựu nhất định rồi thì việc bạn lấy ra uy tín, danh dự của bạn để kêu gọi người khác đầu tư sẽ dễ dàng hơn nhiều.
Học cách luôn giữ lời hứa
Lời hứa là một con dao hai lưỡi. Nó vừa là cách dễ dàng nhất giúp bạn xây dựng lòng tin ban đầu đối với người khác nhưng nó cũng vừa là cách nhanh nhất khiến lòng tin của bạn bị “tan vỡ” nếu không giữ lời hứa.
Bởi vậy, nếu bạn đã không làm được thì đừng hứa và nếu bạn đã hứa thì bạn hãy cố gắng thực hiện nó. Cho dù lời hứa bạn chỉ là những điều nhỏ nhặt nhất như cho ai đó một cái kẹo, dẫn ai đó đi chơi,… Tạo dựng được lòng tin không phải là điều dễ dàng, vậy nên đừng để người khác đánh mất lòng tin về bạn chỉ vì những gì bạn nói nhé!
Học cách cho đi nhiều thay vì chỉ muốn nhận lại cho riêng mình
Cho đi cũng là một cách để bạn xây dựng lòng tin. Cho đi không phải chỉ có nghĩa là cho tiền bạc, vật chất mà bạn có thể chia sẻ kiến thức, chia sẻ những điều bạn biết thì đó cũng là một cách để bạn cho đi. Khi bạn cho đi càng nhiều thì lòng tin bạn nhận lại được sẽ càng lớn.

Một số cách hành xử sẽ khiến người khác mất lòng tin ở bạn
Lòng tin của người khác đối với bạn bị mất đi đa phần là do cách hành xử của bạn đối với họ. Một số cách hành xử dễ gây mất lòng tin nhất có thể là:
- Luôn tỏ ra quá kiêu ngạo khi nói chuyện với họ.
- Nói quá nhiều những điều triết lý mà không hành động để chứng minh.
- Lừa dối họ hết lần này đến lần khác.
- Ích kỷ, luôn sợ mình bị thiệt thòi, muốn giữ cho riêng mình mà không chia sẻ với họ.
- Chủ quan, cho rằng họ luôn tin vào mình nên có những lời nói, hành động không kiểm soát khiến mất lòng đối phương.
Người ta thường nói rằng lòng tin của con người giống như một tờ giấy vậy, một khi đã bị nhàu nát thì rất khó để làm nó thẳng lại. Bởi thế nên chúng ta cần phải để ý cách hành xử của mình, đừng hành động để người khác mất lòng tin đối với mình.

Bài viết trên đây Aly Ngân đã giúp bạn hiểu được ý nghĩa trọn vẹn cùng những cách để xây dựng, củng cố lòng tin là gì. Lòng tin là chìa khóa giúp gắn kết bạn đối với mọi người xung quanh. Bởi vậy, hãy học cách trân trọng và không ngừng xây dựng lòng tin đối với mọi người để bản thân mình không phải làm một “chiếc lá cô đơn” giữa cuộc đời này bạn nhé!