Sách là kho tàng tri thức của nhân loại
BLOG Kiến Thức TẢN VĂN

Bàn về việc đọc sách

Rate this post

 Việc đọc sách ngày xưa vốn là thú vui tao nhã của những bậc hiền triết, giống như việc ngâm thơ, câu cá, uống trà, thưởng trăng. Đều đem lại sự thanh tĩnh, thư thái trong tâm hồn, trút sạch phiền não sau những trăm công nghìn việc. Đọc sách là cội nguồn của kết nạp tri thức. Và cũng là thói quen, là chí lớn của những đấng nam nhi thời xưa để làm rạng danh gia đình, vọng tộc. Ca dao từng có câu:

                                                                      “ Con ơi, muốn nên thân người

                                                                       Lắng tai nghe lấy những lời mẹ cha

                                                                       Gái thì giữ việc trong nhà

                                                                       Khi vào canh cửi, khi ra thêu thùa

                                                                       Trai thì đọc sách, ngâm thơ

                                                                       Dùi mài kinh sử để chờ kịp khoa”

Vốn dĩ, đọc sách không chỉ giúp mở mang đầu óc. Mà còn khiến bản thân mỗi người nhìn xa trông rộng. Với những bậc thánh nhân, đọc sách còn là để tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Những vị vua chúa nước Nam ta trước kia, nếu là những bậc quân vương có tâm và có tầm, có bổn phận với đất nước. Thì dù bận rộn đến mấy nhất định cũng sẽ không bao giờ rời xa sách vở. 

Thuở mới sơ khai, con người đã biết lưu trữ tri thức qua nhiều hình thức. Từ khắc chữ lên vỏ cây, lên cát, lên tường, trên những hang động,… Mãi sau đó, giấy viết được ra đời kì diệu nhờ phát minh của nước láng giềng Trung Quốc vào năm 105 của thế kỉ I. Đến nay, với sự tiến hóa và phát triển của xã hội, chúng ta đã biết lưu lại những tri thức, kho báu mà ông cha để lại qua những cuốn sách được lưu truyền hàng nghìn năm. Thậm chí còn được biến chuyển, lưu trữ với hàng ngàn đầu sách nhờ thành tựu của công nghệ thông tin. Thế mới thấy, đó không chỉ là sự tiến bộ đi lên. Mà còn là cuộc cách mạng lịch sử của con người trong việc giữ gìn và lĩnh hội tri thức.

Nếu ngày xưa, khi công nghệ thông tin còn chưa phát triển. Sau công việc, những người nông dân chân lấm tay bùn sẽ thường làm gì để giải trí? Đọc sách ư, tôi e là ít người được như vậy. Ở mỗi nơi trên đất Việt, đều có những cách thức để giao lưu văn hóa, trao đổi tri thức. Người nông dân, họ thường gửi gắm tâm tình qua những câu hò ví dặm; câu hát dân ca khi lao động; câu hát trao duyên; qua lời ru ngọt ngào của bà của mẹ,… Hay thử tài văn chương bằng những vần thơ đối đáp, truyện Kiều,… Đó cũng là những cách để người sau được thừa hưởng thành quả tri thức. Dù chưa trọn vẹn nhưng đủ thấm cái nghĩa, cái tình. 

Có nhiều phương thức để lưu giữ tri thức, trong đó có sách

 

Xem thêm: Quản lý thời gian – Kỹ năng giúp tân sinh viên gặt hái thành công

Thông tin, tri thức đối với con người giống như thức ăn hàng ngày. Phải liên tục kết nạp, và não phải luôn hoạt động, biến chuyển từng ngày, theo cùng thời đại. Người không đọc sách, không cập nhật kiến thức chẳng mấy mà tụt hậu. Chẳng khác nào người sống mà không có phần hồn, tâm hồn nghèo nàn, chữ nghĩa hạn hẹp. Bác Hồ từng nói: “Đường đời là một chiếc thang không có nấc chót, học tập là quyển vở không có trang cuối cùng”. Lời Bác dặn quả không sai. Học tập thông qua đọc sách, tiếp thu từ sách vở là chuyện cả đời, không phải ngày một ngày hai. Vậy nên cần phải duy trì thói quen đọc sách thường xuyên. Mỗi ngày một trang sách. Gom góp lại ta có cả một kho tàng kiến thức phong phú, dùng mãi cả đời.

Nhưng đọc sách không có nghĩa là sách nào cũng đọc và không phải sách nào cũng học theo. Việc đọc không giống như những công việc khác, không hề đơn giản, mà chứa đựng cả một nghệ thuật. Lựa chọn sách, ở lĩnh vực nào, tác giả là ai, nội dung muốn truyền tải, giá trị nhân văn chứa đựng trong cuốn sách,… là thứ mà ta phải quan tâm, phải ngẫm kỹ, tìm hiểu trước khi đọc. Để làm được điều đó cũng phải là một quá trình. Đọc nhiều, biết nhiều dần dần ta sẽ biết được cuốn sách nào đáng để đọc, để thưởng thức tri thức, bồi đắp tâm hồn. Để não mình thực sự được “ăn” những gì mà nó muốn. 

Và đọc sách cũng là quá trình chọn lọc, kiểm chứng thông tin. Đôi khi có những cuốn mà tác giả viết theo ý chủ quan cá nhân hoặc theo hiểu biết, trải nghiệm của họ. Mục đích của 1 vài tác giả là để thuyết phục, kéo bạn theo chiều hướng suy nghĩ của vấn đề giống người đó. Theo niềm tin, dù đúng sai, vô tình hay hữu ý, chúng ta sẽ dễ biến kiến thức đó là của mình. Như vậy thật nguy hiểm. Hoặc có những lúc, lời khuyên mà tác giả đưa ra lại chưa hoàn toàn đúng với trường hợp, hoàn cảnh của bạn thì sao? Bạn có dám bỏ ra 1 số tiền lớn, nghe theo sách đầu tư chứng khoán trong khi tiền sinh hoạt tháng này còn đang chật vật?

Nói đến việc đọc sách, lại phải nói đến văn hóa đọc, thói quen đọc của nhiều người hiện nay. Đặc biệt muốn hướng đến đối tượng giới trẻ. Vì ở giai đoạn này cơ hội tiếp cận với sách là nhiều nhất. Mặc dù vấn đề này đã được nhắc đi nhắc lại, nhấn mạnh nhiều lần trên các phương tiện truyền thông.

Đọc sách là quá trình không hề đơn giản, đòi hỏi cả một nghệ thuật

Xem thêm: Lá thư gửi cho chính mình

Ở Việt Nam, mỗi năm trung bình mỗi người đọc chưa đến 4 cuốn sách. Chủ yếu là sách giáo khoa, còn sách thường thức chiếm tỉ lệ siêu nhỏ. Trong khi đó, cùng một năm, người Nhật đọc 40 cuốn; người Nga đọc 55 cuốn; người Israel khủng nhất với số lượng sách được đọc là 64 cuốn. Để ý thấy, càng những nước văn minh, đời sống tiến bộ; người dân họ càng chú trọng đến việc tăng tri thức nhờ đọc sách. Bên vệ đường, trong quán cà phê, trên tàu điện ngầm,… ở đâu cũng đều có thể bắt gặp hình ảnh người dân chăm chú cầm cuốn sách. Các thư viện công cộng luôn trong tình trạng chật kín. Vậy mà, khi ngó sang 1 vài nước, ví dụ như Việt Nam mình. Thật đáng buồn, văn hóa đọc lại hoàn toàn ngược lại. 

Dường như chúng ta thích thú với việc lướt Facebook, Instagram, xem các chương trình mang tính chất giải trí,… nhiều hơn là phải ngồi một chỗ ngấu nghiến 1 cuốn sách. Điều này như đã nói, nếu không được cải thiện sẽ sinh ra những thế hệ sau này ù lì, lười suy nghĩ, thiếu sáng tạo và thiếu cả sự kiên trì, bền bỉ. Có rất nhiều bạn trẻ khi buộc phải đọc cuốn sách dày hơn mấy trăm trang, đã nản và bỏ dở, chọn bỏ cuộc và không đọc nữa. Có những bạn chỉ sa đà vào mỗi truyện tranh, ngôn tình, truyện tâm linh hư cấu. Hoặc cũng không có ít bạn cả năm chẳng sờ đến bất kỳ cuốn sách nào. Nghe như vậy, chúng ta không chỉ buồn mà còn nên biết lo sợ về tình trạng báo động này. 

Đến một ngày nào đó, người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, không còn thói quen hay đam mê đọc sách nữa. Thì không hiểu, tri thức không cập nhật liên tục, xã hội sẽ phát triển đến đâu? Lợi ích của việc đọc sách, chắc ai cũng nghe cũng biết. Chúng ta được giáo dục trên ghế nhà trường rằng, đọc sách giúp trau dồi tri thức; bồi bổ tâm hồn; vân vân và mây mây…  Miệng thì răm rắp nói, nhưng để làm được thì chẳng mấy ai.

Để khuyến khích ham muốn đọc sách cho mọi người, thiết nghĩ cần phải có nhiều sự vào cuộc của các cấp như Bộ Văn hóa, Bộ Thông tin và truyền thông,… Phát động, tổ chức các cuộc thi về văn hóa đọc giành giải thưởng lớn trong cộng đồng. Hoặc xây thêm thư viện công cộng theo mô hình kinh doanh hoặc mở miễn phí cho người dân. Ưu tiên các trang web, các kênh liên quan đến giáo dục, trao đổi kiến thức; mở rộng mô hình tặng sách, trao đổi sách,… để sách tiếp cận nhiều hơn đến mọi người. Với mỗi người, hãy coi sách là món quà. Chứ không chỉ là một đống giấy với những con chữ vô tri. Đôi khi, một cuốn sách nhỏ nhoi, sau khi đọc có thể thay đổi số phận của cả một đời người mà bạn không biết.

Phương pháp đọc cũng là thứ khơi gợi sự thích thú khi đọc sách. Có người thích đọc từng chút một, mỗi ngày một vài trang, ít mà ngấm. Có người lại ham mê tới quên ăn quên ngủ, cố đọc cho xong cuốn mới chịu làm việc khác. Lại có người 2, 3 tháng đọc xong 1 cuốn sách; có người chỉ mất đúng 1 tháng. Cái này là tùy thuộc vào mỗi người, sở thích hay nội dung, độ dài của cuốn sách! Chọn cho mình được phương pháp đọc phù hợp chính là đã thành công bước đầu cho những ai bắt đầu đến với thế giới nhiệm màu tri thức. 

Không gian sách phù hợp để thư giãn đọc

Bàn về đọc sách có rất nhiều thứ đáng nói. Tuy nhiên, bản thân hãy cố gắng tạo thói quen, duy trì việc đọc sách thường xuyên. Xã hội càng phát triển, tiến bộ thì tri thức càng lên ngôi và nắm tầm quan trọng. Làm sao để thay thế những thói quen vô bổ bằng việc đọc và đọc. Cũng đừng quên tham khảo thêm nhiều thể loại sách khác nhau làm phong phú cho vốn sống của bạn. Chúc các bạn tìm kiếm được niềm hứng thú với sách và đạt được nhiều kết quả thắng lợi trên hành trình kiếm tìm tri thức!