Tạm dừng chân ở tuổi 20 – “Slow life”
Này em, cô gái tuổi 20! Chào mừng em đến với thế giới mới mang tên “Người trưởng thành”.
Có bao giờ em tự hỏi, mình phải làm gì để thật sự trưởng thành hay chưa?
Có bao giờ, em cảm thấy thật mệt mỏi khi phải đưa ra những lựa chọn?
Khi bước vào tuổi đôi mươi, cuộc đời sẽ truyền cho bạn những pha bóng khó nhằn. Nhưng đó chính là cơ hội để kiến tạo bạn thành một người bản lĩnh sau này. Chính vì vậy, đừng vội nản lòng nhé, cô gái của tôi ơi!
Tuổi 20 của bạn trải qua như thế nào?
Tuổi 20 của tôi là những ngày dài ở nhà giãn cách. Rảnh rang chả biết làm gì, nhưng lại muốn làm điều gì đó khác biệt, khiến tuổi 20 của tôi không vô vị. Tranh thủ lúc không còn những bận rộn ngoài kia, tôi muốn dành khoảng thời gian này để ngẫm nghĩ lại mọi thứ. Và muốn ghi lại những bài học của tuổi đôi mươi để làm kỷ niệm.
MỤC LỤC
1. Bước ngoặt mới ở tuổi 20
Tuổi 20 – một con số chênh vênh, bắt đầu thấy thế giới cô đơn và chật hẹp đến lạ. Không còn là trẻ con nhưng cũng không muốn thành người lớn.
1.1. Khi tôi còn là một đứa trẻ
Nhóc con ngày đó rất ngang bướng và lì đòn. Những trận đòn roi cũng chẳng làm gì được nó. Chỉ cần gào khóc thật to là có bố mẹ dỗ dành ngay. Rồi những sai lầm ấy nó cũng không thèm để tâm đến rồi lại vô tư tái phạm. Cảm giác bản thân lúc đó là trung tâm của vũ trụ. Cứ lấy nước mắt ra để được mọi người vỗ về. Thật tuyệt!
Dưới cái nhìn của trẻ thơ, tôi cảm nhận cuộc sống này thật màu hồng, toàn những niềm vui. Có một gia đình hạnh phúc. Có ba mẹ yêu thương, chiều chuộng. Tất cả đều thuộc về mình. Tôi ước mình lớn thật nhanh để được tự do đi đây đi đó và làm điều mình thích mà không một ai ngăn cản.
Vốn là một người không hoạt ngôn. Khi đi học, nhìn các bạn khác lanh lợi hơn, tôi có chút tự ti. Sau đó, việc luôn cố gắng bắt chước hoặc vượt trội hơn cả họ là điều mà tôi mong muốn. Tôi luôn hướng bản thân trở thành những bản sao hoàn hảo của tất cả mọi người.
Rồi thiếu nữ ấy đến tuổi 15, mộng mơ về một tình yêu ngọt ngào. Và sẽ cùng nhau người ấy bước vào lễ đường ở tuổi 25.
Vào năm 16 tuổi, không may biến cố gia đình xảy ra. Là bước ngoặt lớn đầu đời, mọi thứ dần thay đổi.
1.2. Khi tôi trưởng thành
Và rồi năm 18, tôi bắt đầu đứng trước nhiều sự lựa chọn về khối thi, ngành học và cả trường Đại học. Nó là ngã rẽ cực kỳ quan trọng quyết định cả tương lai sau này. Tôi bắt đầu đấu tranh với ba mẹ về ngành mình sẽ theo học. Vì là con gái nên người lớn muốn tôi làm các công việc văn phòng, còn tôi lại thích công việc tự do. Chính vì thế, việc chọn ngành học vô cùng áp lực.
Có câu: “Nghề chọn người chứ người không chọn nghề”. Do đó tôi quyết định, dù học ngành nào cũng phải hoàn thành thật tốt rồi chọn cho mình một hướng đi. Lúc đấy mọi quyền quyết định đều nằm trong tay mình và phải tự chịu trách nhiệm cho sự lựa chọn ấy.
Bước chân vào Đại học, tôi hiểu thế nào là tự lập và thế nào là một mình chống chọi lại thế giới ngoài kia. Có rất nhiều trải nghiệm mới, nhiều bài học mới buộc tôi phải thích nghi với cuộc sống khắc nghiệt này. Cuộc sống vốn không công bằng. Tuy nhiên, không có nghĩa là nhắm mắt làm ngơ với mọi thứ xung quanh mình.
2. Nhận ra tầm quan trọng về các mối quan hệ xung quanh mình
Càng lớn tôi càng nhận ra rằng, cuộc sống ngày càng thay đổi.
Thời đại 4.0. cảm xúc của chúng ta đều thể hiện qua những dòng status để chia sẻ niềm vui, nỗi buồn của bản thân trên mạng xã hội. Rồi nhận được hàng chục, hàng trăm, thậm chí là hàng nghìn lượt like, lượt share. Ta ngỡ được mọi người quan tâm đến. Nhưng thật ra, họ chỉ lướt ngang qua rồi tiện tay mà thôi.
Bây giờ, chúng ta không còn giao tiếp bằng lời nói nữa rồi. Thay vào đó là gõ bàn phím bằng tay. Việc bày tỏ tâm tư tình cảm gần như mất đi giá trị, có lẽ là thế. Bởi sau những dòng chữ ấy, ta chẳng hiểu được người ta có thật lòng với mình hay là không. Viết rất dễ nhưng lại khó để nói ra thành lời.
Trời vốn cho ta đôi tai để lắng nghe, nhưng nay ta chỉ tin vào những gì thấy được trên các trang mạng. Không cần biết nó là đúng hay sai, miễn ta cứ thấy hay, hấp dẫn là truyền cho nhau. Đâu biết rằng, đó lại là con dao hai lưỡi, có thể giết chết người khác và cũng có thể gây hại đến bản thân mình.
2.1. Trong gia đình
Năm 18 tuổi, nhận ra những nụ cười vô tư không còn trên gương mặt mình nữa mà thay vào đó là những chuỗi ngày dài nghĩ về một tương lai xa xăm. Tôi tự đặt ra nhiều câu hỏi cho bản thân:
Liệu mình có xứng đáng được người khác yêu thương, chăm sóc? Rằng người ta quan tâm chỉ vì thương hại khi biết những điều không may xảy ra ở gia đình mình?
Cuộc sống tương lai sẽ như thế nào? Mình nên sống thật với bản thân hay đeo một chiếc mặt nạ để được hòa nhập với thế giới ngoài kia? Làm thế nào để bản thân mình thay đổi?
Nên sống cho bản thân và gia đình hay sẽ tìm kiếm một anh người yêu để dựa dẫm vào những lúc yếu mềm? Hôn nhân có thật sự quan trọng của đời người con gái hay không?
…
Một loạt câu hỏi được đặt ra, bản thân cảm thấy thật áp lực ở thế giới rộng lớn này. Ở cái tuổi 18 của tôi có quá nhiều điều làm tôi bừng tỉnh. Từ việc tự bản thân mình đi làm bán thời gian để kiếm tiền, giao lưu kết bạn ở trường Đại học hay học cách đối nhân xử thế với tất cả mọi người xung quanh mình.
Những lần bản thân gặp nhiều áp lực trong công việc, gặp phiền phức đối với bạn bè và những khó khăn trong học tập. Quả thật, tôi không biết tìm ai để có thể vực dậy tinh thần cho bản thân ngoài gia đình. Khi về đến nhà, sự mạnh mẽ ấy liền được rũ bỏ, thay vào đó là ánh nhìn trìu mến của ba và lời khuyên nhẹ nhàng của mẹ.
Bản thân nhận ra mình đã thật sự trưởng thành. Tôi học được cách nói dối để giấu đi nỗi buồn, chỉ vì không muốn ba mẹ lo lắng. Biết cách kìm nén nước mắt vào trong khi nghe những lời không hay về mình. Biết học cách chấp nhận những khi bị hiểu lầm, khi những việc không mong muốn xảy ra. Vì vốn dĩ cuộc đời là thế.
Trước đây tôi cứ nghe người ta bảo: “có tiền là có tất cả”. Nhưng vào thời điểm dịch bệnh Covid như bây giờ, bạn nghĩ câu nói đó còn đúng nữa không?
Chắc bạn cũng có câu trả lời cho mình rồi nhỉ?
Với tôi, thời điểm này đã giúp tôi tìm lại những gì đã mất. Những bữa cơm gia đình có đầy đủ các thành viên, những câu chuyện đến tận bây giờ mới có thời gian để kể nhau nghe. Tiếng cười trong gia đình vốn đã mất từ lâu nay đã được trở lại…Tuy nó không trọn vẹn nhưng dường như nó đang quay ngược để khôi phục lại những vết nứt ấy. Tôi nhận ra rằng, giọng nói của ba, tiếng cười của mẹ lại ấm áp đến lạ.
Có thế nào đi chăng nữa, ba mẹ dù nghèo hay giàu, gia đình dù hạnh phúc hay là không thì nhà vẫn là nơi bình yên nhất. Ba mẹ là người thầy, người cô đầu tiên dạy ta những câu nói đầu đời, dạy cho ta biết thế nào là yêu thương. Nhà là nơi che chở và chỉ có nơi này mới có đủ lòng bao dung khi ta phạm phải những sai lầm. Và đây cũng là nơi duy nhất luôn chờ đón ta trở về.
2.2. Ngoài xã hội
Bill Cosby có câu: “Tôi chưa biết chìa khóa thành công là gì, nhưng nguyên nhân thất bại chính là làm hài lòng tất cả mọi người ”
Khi còn ở độ tuổi học sinh, bạn bè đối với tôi vô cùng quan trọng. Mọi việc trong lớp, tôi thường không tranh cãi ý kiến với mọi người, luôn cho họ tự do lựa chọn. Chỉ cần người khác vui là tôi đủ hài lòng. Thế nhưng, bây giờ tôi nhận ra rằng, việc không biết cách từ chối người khác là một thiệt thòi lớn cho bản thân.
20 tuổi, tôi đã rút cho bản thân nhiều bài học hơn về cuộc sống. Lúc nhỏ, cứ nghĩ biết níu giữ là khôn ngoan nhưng lớn lên mới biết phải học cách buông bỏ mới là trí tuệ. Không cần làm bản sao hoàn hảo theo yêu cầu của bất kỳ ai, cứ là chính mình vẫn là tuyệt vời nhất. Không cần phải ganh đua, đố kỵ, chỉ cần hết sức hoàn thành tốt công việc của mình là đủ mãn nguyện. Nói nhiều không phải là tốt, biết bật chế độ im lặng để quan sát mọi việc thấu đáo hơn.
Người đã không thích bạn thì có cố gắng tốt đến đâu cũng thấy chướng tai gai mắt. Càng tỏ ra yếu đuối, họ lại càng hả hê. Bạn sẽ có rất nhiều phiên bản qua từng cái miệng của người khác. Họ vì bảo vệ bản thân mà đặt điều nói xấu bạn. Nhưng việc của bạn là mặc kệ nó, đừng bận tâm. Có một số chuyện, có vài lý do, chỉ mình bạn hiểu là đủ. Không cần giải thích rõ ràng, vì người không tin bạn sẽ cho đó là lời ngụy biện mà thôi.
Biến nước mắt thành động lực. Đừng để giọt lệ oan ức mà đánh mất chính mình, hãy hoàn thiện bản thân tốt hơn mỗi ngày. Nhẫn nhịn một chút cũng tốt. Cứ nghĩ chỉ là một “con chó” điên cắn bậy vô tình dính bạn thôi. Không lẽ mình lại cúi đầu xuống để cắn nó để trả thù?
Nếu có lỡ giúp nhầm người thì cũng đừng hối hận. Không phải bạn ngốc mà là quá coi trọng tình cảm mà thôi. Bạn không mất gì, còn người ta mất đi một người chân thành. Nếu có nhìn sai người, xin cũng đừng tức giận. Không phải bạn dễ bị lừa mà là quá lương thiện.
3. Đôi lời nhắn nhủ cho tuổi 20
Vậy là phải lớn lên rồi cô gái tuổi 20 ơi!
Ta phải ngẫm về quá khứ để hoàn thiện bản thân, cố gắng hơn cho hôm nay và phấn đấu vì ngày mai. Tình yêu bây giờ không là điều quan trọng đầu tiên nữa rồi. Nhưng nhất định phải yêu. Yêu bản thân, yêu gia đình và yêu những việc mình đang theo đuổi.
Dù có vấp ngã nhiều lần thì cũng đừng vội nản lòng nhé. Lấy thất bại làm bàn đạp, lấy gia đình làm điểm tựa và lấy mục tiêu làm động lực tiến về phía trước. Nếu không phải là điều mình thực sự muốn, hãy bày tỏ quan điểm. Cần bỏ ngoài tai những lời phán xét của những không quan trọng. Sống cho bản thân, tự mình gánh vác và sẵn sàng chịu mọi trách nhiệm với cuộc đời mình.
Phấn đấu kiếm tiền để lo cho tương lai. Không cần phải trở thành ông to, bà lớn. Chung quy lại sự nghiệp cuối cùng vẫn là gia đình. Vì tiền cũng dùng cho mục đích vun đắp gia đình mà thôi.
Cuộc sống này vốn rối ren, vậy nên đừng sợ mình đi nhầm hướng. Cứ đi rồi sẽ tới. Chọn sai nghề thì chọn lại. Yêu không đúng người thì yêu lại. Có vấp ngã mới trưởng thành. Đời người chỉ có một lần tuổi trẻ, thanh xuân mỗi người rất giá trị, đừng để trôi qua vô nghĩa rồi lại 2 từ: “Giá như…”
Này em, cô gái tuổi đôi mươi. Hãy sống theo lý trí, nhiệt huyết với đam mê, yêu bằng con tim và hành động theo bản năng của chính mình nhé!