Kiên trì là chìa khóa của thành công
BLOG Quan Điểm & Tranh Luận

Tại sao nói kiên trì là lời biện minh của việc ngại thay đổi

5/5 - (1 bình chọn)

Từ khi thế giới bước vào kỷ nguyên “Self help” thì những câu nói như: “Mày phải kiên trì thì mới thành công”, “Phải theo đuổi mục tiêu đến cùng, thì mới có thành quả”, “Muốn đi đến đỉnh vinh quang, thì phải kiên trì”… Rồi hàng nghìn câu nói na ná nhau ra đời, chỉ với một mục đích duy nhất mà tôi gọi nó là … “Tôn thờ sự kiên trì”.

Cho đến nay “Sự kiên trì” vẫn là một kim chỉ nam dành cho các bạn trẻ nếu muốn theo đuổi thành công, hạnh phúc và cả sự giàu có về vật chất. Nhưng không biết từ bao giờ, từ “kiên trì” mang một ý nghĩa cao cả lại trở thành một “song sắt”, kiềm hãm sự thay đổi về tư duy lẫn hành động của các bạn trẻ.

Và đáng buồn thay, rất nhiều bạn trẻ lại bám víu vào hai từ “Kiên trì” đến kiệt quệ và biến nó thành “Trì trệ” trong chính cuộc sống mà họ từng mong ước. Cho đến khi nhận ra thì đã quá muộn, câu nói “Chỉ cần bạn đi chậm, thì đã là thụt lùi” rất đúng trong cái thế giới hiện đại. Nơi mà 1 phút nghỉ ngơi cũng được tận dụng để học thêm một kiến thức mới, nơi mà nhà vệ sinh chính là thiên đường của những nghĩ suy, nơi mà đến thời gian ăn cũng phải tranh thủ từng chút một.

Vậy, chúng ta có nên kiên trì đến cùng hay phải luôn thay đổi để đạt được thành quả mà mình mong muốn. Hãy cùng Aly Ngân chiêm nghiệm vấn đề này nhé.

1. Kiên trì là gì? Tại sao kiên trì được cho là chìa khóa của thành công?

Thật sự không thể phủ nhận “Kiên trì” là một đức tính đáng quý mà ai cũng nên có. Nhưng không phải vì thế, mà chúng ta phải cố bám víu vào một điều gì đó đã không còn phù hợp.

Vậy phải hiểu từ “Kiên trì” này làm sao cho đúng?

Nói một cách đơn giản, kiên trì chính là luôn theo đuổi giấc mơ, mục tiêu của bản thân đã đặt ra từ ban đầu. Dù gặp rất nhiều khó khăn hay thất bại thì cũng không nản chí và “lì lợm” cho đến khi đạt được thành quả mà mình mong muốn.

Tôi có một người bạn. Bạn ấy chính là một tín đồ đích thực của việc “Kiên trì đến trì trệ”. Ước mơ của bạn lúc ấy chính là trở thành một đạo diễn phim nổi tiếng.

Đừng hiểu nhầm, tôi không hề cười cợt ước mơ của bất kỳ ai đâu nhé!

Và tôi đã chứng kiến rất nhiều lần thất bại của bạn, khi tổ chức sản xuất phim từ phi lợi nhuận đến có lợi nhuận. Tôi đã đồng hành cùng bạn trong hơn nửa năm, trong thời gian đó việc duy nhất mà bạn làm chính “đợi có hứng rồi làm”. Hay nói đúng hơn triết lý cuộc sống của bạn chính là những công việc đòi hỏi sự sáng tạo hay nghệ thuật thì phải có “hứng”, mới có thể làm được.

Tôi công nhận, một phần bạn ấy nói rất đúng vì đây là tính chất đặc thù của nghề. Nhưng, bạn biết không, trước khi bạn ấy đạt được ước mơ của mình thì đã “chết đói” mất rồi, vì ngoài bản thân bạn ấy ra thì đâu ai rảnh mà nuôi giúp giấc mơ của bạn, đúng không!

ngại thay đổi

Hơn thế nữa, bạn ấy cho rằng, nếu làm việc ở một công ty nào đó, thì quá bí bách và tù túng, không phù hợp với lĩnh vực mà bạn đang theo đuổi. Đến cuối cùng, bạn ấy cũng phải thỏa hiệp với cuộc sống và chấp nhận bước chân vào một công ty nào đó làm, gác lại giấc mơ còn đang dang dở.

Nhưng, vấn đề ở đây chính là khi làm việc chưa đầy một tuần, bạn ấy đã nghỉ việc để xin vào một công ty khác, với lý do môi trường quá áp lực và không phù hợp. Một câu nói của bạn mà làm tôi nhớ mãi: “Từ khi bước chân vào công ty, mình không phải đang sống, chỉ là đang cố tồn tại”.

Xem thêm: Những cách ứng xử với lời chỉ trích

Có thật vậy không?

Bạn đang đánh mất ý nghĩa trong cuộc sống của mình, chỉ vì phải bước chân vào một công ty nào đó để làm việc và nuôi sống bản thân mình sao?

Từ khi nào, việc nuôi sống bản thân lại là một điều gì đó “thấp kém” trong mắt các bạn trẻ vậy.

Bạn ấy đang biện minh cho sự cố chấp của mình bằng một danh từ khá mỹ miều đó chính là “Kiên trì”. Cảm nhận của bạn lúc này chỉ là “Mình đang rất nỗ lực để thành công”, “Mình đang đi tìm ý nghĩa của cuộc sống”,”Mình muốn có một cuộc sống hạnh phúc hơn”,…

Các bạn trẻ có đang quá xem trọng sự thành công, hay nói đúng hơn là tiếp nhận thụ động quá nhiều triết lý để thành công. Mà quên đi mất bản thân bạn sống vì điều gì, không phải đơn giản là có được hạnh phúc sao.

Tuy hạnh phúc đối với mỗi người sẽ có một định nghĩa khác nhau. Riêng đối với tôi, có thể sống vui vẻ với những gì mình đang có và đang cố gắng thực hiện, chính là hạnh phúc.

Vậy thay vì chật vật mãi với một hướng đi, tại sao chúng ta không thay đổi để thoát ra khỏi hoàn cảnh bế tắc trong cuộc sống hiện tại. Chấp nhận đi, đã đến lúc bạn cần phải thay đổi để thành công rồi.

2. Kiên trì là một lời biện minh của việc ngại thay đổi

Có một câu nói rất hay, mà tôi vừa đọc được trên news feed của mình:

“Điều còn đáng sợ hơn cả việc chưa hoàn thành một công việc,

Đó là bạn chưa bắt đầu làm nó”

Hãy ngưng bao biện đi, đừng dùng những câu cũ xì như “Tôi không có thời gian”, “Chưa tới lúc để làm việc đó”, “Có hứng thì mới làm được”, “Tôi đang bảo vệ quan điểm của tôi mà thôi”,… để biện minh cho nỗi sợ phải thay đổi của chính bạn.

kiên trì

Bạn cũng nhận ra nó mà, đúng không? Việc bạn đang dùng 2 từ “Kiên trì” thay cho cách mà bạn đang cố trốn tránh nỗi sợ – Sợ thay đổi trong chính bản thân của bạn.

Nhưng đôi lúc bạn phải chấp nhận quan điểm sống trước giờ của mình là sai. Đôi khi bạn phải buông bỏ cái tôi, để nhìn nhận sự việc một cách khách quan hơn. Và có những lúc phải đau lòng mà nói rằng, nỗ lực để thành công của bạn trước giờ đều vô ích.

Cuộc đời mà, có người thắng thì phải có người thua, có người khôn thì phải có người dại, có lúc vinh thì cũng có lúc thất bại, và có những ngày vui cũng sẽ có những ngày buồn. Vì thế, bạn không thể cứ đắm chìm vào trong thế giới phi thực tế của mình mãi được.

Đã đến lúc bạn phải chấp nhận thay đổi, cả về mặt nhận thức lẫn hành động của chính mình. Nếu con đường trước mắt đã kín lối, thì việc tìm cho mình một con đường khác hoặc tự mình khai phá ra một hướng đi mới, chính là lựa chọn tốt nhất dành cho bạn lúc bấy giờ.

3. Hãy kiên trì nhưng không ngại thay đổi

Như mình đã có đề cập tại phần một, sự kiên trì là một đức tính phải có để tránh trường hợp “Cả thèm chóng chán” hay “Đứng núi này trông núi nọ”. Nếu không có 2 từ “Kiên trì” chúng ta sẽ không có những phát minh vĩ đại sau hàng ngàn lần thất bại, lúc này thế giới chỉ còn lại những người mà tôi gọi là “Những cá thể an nhàn”.

Nhưng không phải vì thế mà chúng ta cứ cố chấp với những thứ không còn phù hợp, hay giữ vững lập trường đã có chút sai lệch, và những ý niệm đã xưa cũ không còn phù hợp với thời đại.

Nên, hãy cứ kiên trì nhưng không ngại thay đổi bạn nhé.

Xem thêm: 5 cách thay đổi bản thân để có cuộc sống tốt hơn

Và mình là Aly Ngân, cảm ơn bạn đã đọc hết bài viết. Mình sẽ rất vui nếu như bạn mở lòng, và chia sẻ ý kiến về vấn đề này ở phần comment bên dưới !