Mách bạn 5 bí kíp để vượt qua mọi nỗi sợ hãi
Mỗi chúng ta, ai cũng có cho mình một nỗi sợ. Thật không may, sự sợ hãi ấy đã vô tình làm bạn bỏ lỡ những cơ hội để thể hiện và để chứng tỏ bản thân. Bên cạnh nỗi sợ bản năng thì nỗi sợ tâm lý ( khi đứng trước đám đông, gặp người lạ, hay trước mỗi kỳ thi, cuộc phỏng vấn,…) là điều ta hoàn toàn có thể khắc phục và vượt qua.
MỤC LỤC
1. Bạn cảm thấy thế nào mỗi khi lo lắng và sợ hãi ?
Nỗi sợ có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Mỗi chúng ta sẽ là người hiểu rõ nhất lý do cho sự sợ hãi của bản thân. Có người cảm thấy căng thẳng trước giờ vào thi. Có người lại bồn chồn trước những buổi thuyết trình. Hay là khi phải bước ra khỏi “vùng an toàn” để thử thách những điều mới, bạn cũng sẽ sợ hãi và dè dặt.
Tuy nhiên, tất cả cảm xúc lo lắng ấy đều được diễn ra dưới sự điều khiển của não bộ. Do đó, trước mọi nỗi sợ, cơ thể cũng như tâm trí của bạn sẽ xuất hiện những triệu chứng chung như sau:
- Mạch đập mạnh và nhanh
- Tâm trí rối loạn, mơ hồ
- Không ổn định được hành động và cảm xúc
- Đổ nhiều mồ hôi
- Cảm giác nôn nao và cồn cào trong bụng
- Không thể tập trung suy nghĩ
Mặc dù chỉ là những biểu hiện bất chợt tại thời điểm bạn sợ hãi. Nhưng nếu nỗi sợ xảy ra thường xuyên hơn, hậu quả sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe tinh thần của bạn. Cụ thể là bạn lo nghĩ quá nhiều dẫn đến mất ngủ, ăn không ngon. Áp lực đè nặng có thể làm bạn stress mà nặng hơn là trầm cảm. Về lâu về dài, nỗi sợ trở thành căn bệnh tâm lý khiến bạn gặp nhiều khó khăn trong công việc và học tập. Thậm chí là những nảy sinh những suy nghĩ tiêu cực về chính bản thân bạn.
2. Phương pháp giúp bạn vượt qua nỗi sợ tâm lý
Không phải ai trong chúng ta cũng hiểu rõ hậu quả mà nỗi sợ đem lại. Bởi vậy, cũng ít ai nhìn ra rằng chính sự sợ hãi đang dần lấy đi sự tự tin và lòng nhiệt huyết của mình. Vậy nhưng, sẽ không bao giờ là muộn cho những ai dám thay đổi và dám đối diện. 5 bí kíp dưới đây sẽ giúp bạn quên đi nỗi sợ và sẵn sàng để chứng tỏ bản thân một lần nữa.
Nhận ra nỗi sợ của bản thân
Bất cứ khi nào bạn cảm thấy sợ hãi, hãy cố gắng để truy ra nguồn gốc của nỗi sợ ấy là đâu. Tuy nhiên, nói ra luôn dễ hơn bắt tay vào thực hành rất nhiều. Bởi theo phản ứng chung của đa số người, họ sẽ thường lảng tránh và lờ đi nỗi sợ đang bủa vây ấy. Nhưng cách làm này chỉ giúp bạn tạm thời quên đi cảm giác lo lắng mà không thể chữa trị tận gốc nguồn cơn.
Do đó, bạn nên tự học cho bản thân cách phát hiện và thấu hiểu. Mỗi khi cảm thấy sợ hãi, hãy cầm bút lên để viết ra những điều trong lòng. Điều này sẽ giúp bạn truy ra “Nỗi sợ ấy từ đâu mà đến?” và “Tại sao bạn lại cảm thấy lo lắng với điều ấy?”. Thực hành thường xuyên, bạn sẽ không còn cảm thấy lo lắng, bồn chồn. Và nhận ra thật dễ dàng để vượt qua mọi sợ hãi.
Đối diện để trở nên can đảm
Nếu bạn luôn coi nỗi sợ như kẻ thù để chiến đấu và đánh bại. Thì hãy thử nhìn nhận theo khía cách khác nhé. Thay vì là đối thủ sống còn của nhau, sao không cùng nhau trở thành những người bạn tốt. Chia sẻ, lắng nghe và đối diện để có thể chung sống hòa hợp hơn mỗi ngày. Bởi nỗi sợ không phải bỗng nhiên tìm đến, mà chính những điều làm bạn lo lắng ấy đang nhắc nhở bạn còn thiếu sót hay khuyết điểm nào cần phải thay đổi.
Vậy nên, hãy tập làm quen và đối diện với điều khiến bạn lo sợ. Bạn sẽ nhận ra, nỗi sợ chưa chắc đã là xấu. Chính sự sợ hãi ấy lại đang giúp bạn hoàn thiện bản thân và trở nên tốt hơn theo thời gian.
Bỏ qua những điều tiêu cực làm bản thân mệt mỏi
Một cuộc nói chuyện khiến bạn bực bội. Vài mẩu tin tức hay hình ảnh khiến bạn mất niềm tin vào cuộc sống. Lắng nghe quá nhiều những lời than vãn từ người khác. Hay ở trong một mối quan hệ khiến bạn luôn phải chịu đựng và mỏi mệt. Tất cả điều kể trên là những nguồn năng lượng tiêu cực đang tồn tại mà bạn cần gạt bỏ.
Hãy tránh xa mọi thứ ảnh hưởng không tốt đến tâm trạng của bạn. Lắng nghe bản thân muốn gì để thỏa mãn chính mình và trở nên hạnh phúc. Tiếp xúc nhiều hơn với những điều tốt đẹp và những con người tỏa ra nguồn năng lượng tích cực. Hãy học cách sắp xếp lại bộn bề cuộc sống, thay đổi lối suy nghĩ và bước ra khỏi mối quan hệ toxic.
Như vậy, tâm trí bạn cũng dần trở nên tươi sáng và hướng đến những điều tích cực nhiều hơn. Nỗi sợ sẽ không còn cơ hội để tìm đến hay gây lo lắng cho bạn được nữa.
Thư giãn và tận hưởng nhiều hơn
Nếu bạn cảm thấy mỏi mệt với vòng tuần hoàn lặp đi lặp lại mỗi ngày. Hãy chọn cho mình thời điểm thích hợp để bỏ những gánh nặng ấy xuống. Giành ra cho bản thân một khoảng lặng vừa đủ để nghỉ ngơi và để tìm lại chính mình. Bạn có thể học thêm những kỹ năng mới mà từ lâu chưa có thời gian tìm hiểu. Chăm sóc một chậu cây nhỏ. Hay đôi khi chỉ đơn giản là nghe một bản nhạc, và hát một bài hát yêu thích.
Bởi bạn nên nhớ rằng chỉ khi tinh thần khỏe mạnh, cơ thể mới đủ sức lực để tiếp tục làm việc, học tập và chăm sóc tốt cho cuộc sống. Cũng chỉ khi đó, bạn mới vượt qua và chế ngự được nỗi sợ.
Động viên bản thân để trở nên tự tin trước mọi nỗi sợ
Khi đứng trước nguy hiểm hay điều không chắc chắn là lúc con người ta yếu đuối và nghi ngờ bản thân mình nhất. Nhưng ít ai biết, điều đó chỉ khiến ta thêm lạc lối. Khi bạn càng nhún nhường, càng mong manh thì nỗi sợ sẽ càng lớn dần và bủa vây lấy bạn. Giống như bong bóng càng thổi càng lớn. Đến một cực hạn nào đó, bong bóng sẽ vỡ tan. Và đấy là lúc bạn sẽ bị nhấn chìm trong những cảm giác lo lắng, sợ hãi và quên đi bản thân,
Lúc này, bạn không nên chê trách hay tự ti và hắt hủi mình yếu ớt. Đây là thời điểm bạn càng phải động viên mình hơn. Hãy nghĩ tới những điều tốt đẹp và điểm mạnh của bản thân. Như vậy bạn sẽ tự tin hơn, mạnh mẽ hơn và can đảm hơn trước mọi nỗi sợ. Bạn sẽ nhận ra mình có thể làm được mọi việc dù khó khăn đến mấy. Chỉ cần bạn luôn mang trong mình lòng tin và sự quyết tâm.
Hãy áp dụng những điều bạn cho là đúng với bản thân. Và quan trọng hơn cả là luôn tin tưởng chính mình. Cùng nhau, chúng mình sẽ vượt qua mọi nỗi sợ để trở thành những người mạnh mẽ và tuyệt vời nhất.
~ Yuuko~