Đam mê là động lực
BLOG Quan Điểm & Tranh Luận

Làm việc vì đam mê có đáng sống hay đáng sợ?

5/5 - (1 bình chọn)

Chắc hẳn, ai trong chúng ta cũng muốn có một đam mê của riêng mình. Có người may mắn, tìm được nó từ rất sớm nhưng cũng có người mất cả đời cũng không tìm được đam mê của chính mình. Nhưng, liệu tìm được đam mê và theo đuổi nó đến cùng có thực sự tốt? Làm việc vì đam mê có “ màu hồng” như bạn nghĩ?

1. Bạn đã thực sự hiểu đam mê?

Đam mê là một từ quen thuộc đối với chúng ta. Nhưng, có mấy ai định nghĩa chính xác được đó là gì?

Có người nói đam mê là những khao khát cháy bỏng, là hoài bão lớn lao, thúc đẩy chúng ta hành động. Người khác lại cho rằng, đam mê là sự say mê, yêu thích một việc gì đó và sẵn sàng theo đuổi đến cùng, không bao giờ từ bỏ dù khó khăn, gian khổ.

Theo bạn định nghĩa đam mê như thế nào là đúng?

Đối với tôi, đam mê đơn giản là tìm được công việc mình yêu thích và không ngừng nỗ lực, cố gắng để tiến bộ và phát triển trong công việc đó. Đồng thời, đam mê đó phải có ý nghĩa đối với tôi và góp một phần nhỏ lợi ích cho xã hội.

2. Giá trị đam mê

Những ý nghĩa mà đam mê mang lại thật khó diễn tả hết, bởi giá trị đó thể hiện trọn vẹn trong cảm nhận của riêng mỗi người. Tuy nhiên, có những giá trị mà ai cũng có thể thấy rõ:

Đam mê là chiếc la bàn dẫn lối

Có khi nào bạn thấy lạc lối, không biết làm gì, không biết phải bắt đầu từ đâu. Bạn cảm thấy bế tắc và tuyệt vọng khi xung quanh ai cũng có công việc tốt và trở nên giàu có, còn bạn thì không? Đôi khi, bạn như chiếc thuyền vô định, không bến đỗ, không chốn dừng chân, lênh đênh trôi theo dòng nước?

Đúng, đam mê sẽ là chiếc la bàn chỉ lối cho bạn đến bến bờ hạnh phúc. Nó giúp bạn biết bạn yêu thích điều gì, điểm mạnh của bạn là gì, định hướng cho bạn con đường đi đúng đắn.

Có được sự đam mê, bạn có công cụ để xác định hướng đi, thiết lập mục tiêu cho mình.

Đam mê là động lực thúc đẩy hành động, vượt qua khó khăn

Thật vậy, bạn sẽ thấy mình có động lực và niềm hứng thú làm mọi thứ. Đam mê sẽ giúp bạn có niềm cảm hứng bất tận, nguồn năng lượng dồi dào, niềm khao khát cống hiến cho công việc lớn lao.

Với một công việc không yêu thích, khó khăn có thể khiến bạn từ bỏ và tìm kiếm cái mới. Nhưng, làm việc vì đam mê, bạn sẽ cảm thấy gian khổ đó chỉ là hạt bụi nhỏ và dễ dàng bị đốt cháy bởi ngọn lửa đam mê đang hừng hực trong bạn.

Đam mê là động lực

Trên tất cả, bạn sẵn sàng cống hiến, sẵn sàng xả thân, làm việc hết mình. Những hòn đá trên đường chỉ làm bạn vấp ngã. La bàn vẫn chỉ hướng buộc bạn phải tiến lên.

Bởi vậy, phía trước còn nhiều chông gai, hãy mang trên vai niềm đam mê cố gắng.

Đam mê mang lại cho ta nhiều giá trị phải không nào? Nhưng, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để biết mình đã tìm đúng đam mê? Hãy để tôi chỉ cho bạn.

3. Những dấu hiệu cho thấy bạn đã tìm đúng công việc đam mê

Công việc yêu thích và công việc đam mê là hai thứ khác nhau. Công việc đam mê bạn sẽ yêu thích , tuy nhiên, công việc yêu thích chưa hẳn là đam mê. Thật vậy, bạn sẽ ra sao khi theo đuổi một công việc mình yêu thích nhưng cuối cùng lại nhận ra đó không phải là điều mình tìm kiếm của mình? Bạn sẽ chỉ tốn thời gian và công sức mà thôi.

Những dấu hiệu sau đây sẽ cho biết, bạn đã tìm đúng đam mê hay chưa?

Bạn cảm thấy hạnh phúc và ý nghĩa khi làm việc

Một công việc kết nối đam mê thể hiện ở chính cảm xúc và cảm nhận của bạn. Khi được làm việc, bản thân sẽ cảm thấy mỗi ngày mới đều thật ý nghĩa. Giống  như ,bạn vui khi được làm mỗi ngày, bạn hạnh phúc với những thành quả mình đạt được.

Công việc đam mê sẽ khơi gợi nguồn cảm hứng trong bạn, mang đến cho bạn những cảm xúc tuyệt vời.

Bạn có năng khiếu hơn nhiều người khác

Năng khiếu ở đây không chỉ là sở trường. Năng khiếu còn là khả năng học hỏi, làm việc nhanh hơn người khác.

Đam mê tạo cho bạn sức mạnh và một khả năng học hỏi “siêu phàm”. Bạn luôn trong tư thế sẵn sàng học hỏi, rèn luyện, phấn đấu từng ngày.

Công việc đam mê đưa đến cho bạn nguồn năng lượng khác biệt, giúp bạn có thể hiểu vấn đề nhanh hơn người khác.

Bạn được là chính mình khi làm công việc đó

Làm việc đam mê, bạn sẽ không phải gồng mình để trở thành một người khác.

Trong xã hội bộn bề, nhiều người đang phải mang trong mình lớp vỏ bọc, che dấu đi những cảm xúc và ước muốn.

Tôi có một người bạn, cô ấy hát rất hay. Hồi còn đi học, ngay từ những năm cấp 1, cô ấy luôn đại diện lớp tôi đi thi các cuộc thi văn nghệ. Càng lớn, giọng hát của cô ấy càng nổi bật và tuyệt vời hơn. Bạn tôi có ước mơ trở thành một ca sĩ. Đam mê ấy cháy bỏng trong cô.

Thế nhưng, bố mẹ kịch liệt phản đối việc đó và không muốn cô bước vào giới showbiz nhiều thị phi. Bạn tôi buộc phải nghe lời. Bây giờ, cô ấy làm nhân viên văn phòng.

Thỉnh thoảng, hay tâm sự, cô ấy nói rằng đi làm chỉ vì đồng lương, không mục tiêu cũng chẳng hứng thú. Sáng đi, tối về, ngày ôm đống tài liệu. Cô ấy nói: “ Cuộc sống của mình chẳng mấy phần ý nghĩa”.

Bởi vậy, làm công việc đam mê, bạn sẽ được làm chính mình. Làm công việc yêu thích, tự do thể hiện cá tính riêng. Một người hướng nội không phải trở thành hướng ngoại, một người phóng khoáng, tự do không phải làm việc trong môi trường nhiều quy tắc,…

Đam mê là được làm chính mình

Hãy là chính mình và phấn đấu tốt lên từng ngày. Bạn là chính bạn, là phiên bản tốt nhất của bạn. Đừng trở thành ai khác.

Bạn tự tin và nổi bật

Tự tin chính là bạn tin bản thân có thể làm tốt công việc. Bạn quyết tâm đạt đến mục tiêu mình đề ra. Bạn không sợ hãi, e dè hay tỏ ra không chắc chắn.

Sự tự tin sẽ thể hiện từ thâm tâm bên trong đến phong thái bên ngoài của bạn. Chỉ cần nhìn vào bạn, người khác đã thấy toát lên một thần thái kiên định và bạn sẽ trở nên nổi bật hơn.

Công việc khiến bạn cảm thấy bản thân có giá trị

Làm việc kết nối đam mê, bạn sẽ cảm thấy những đóng góp của mình có ý nghĩa.

Sự nỗ lực, cố gắng sẽ giúp bạn đạt đến thành quả, nâng cao giá trị của bạn. Người khác sẽ công nhận những đóng góp. Bạn trở thành một phần quan trọng trong một cơ quan, tổ chức hay ở một nơi nào đó.

4. Làm việc vì đam mê như thế nào là đáng sống?

Làm một công việc đáng sống khi nó mang lại cho bạn cả giá trị vật chất và tinh thần. Hãy lưu ý rằng chúng ta đang bàn đến đam mê trong công việc.

Giá trị tinh thần: niềm vui, niềm hạnh phúc, tự tin, sự công nhận, sự cháy hết mình với đam mê, những đóng góp cho xã hội.

Giá trị vật chất: tiền tài, danh vọng.

Hãy sống hết mình vì đam mê khi đam mê đó nuôi sống được bạn. Ít nhất là lo được cho bạn.

Bạn không thể phủ nhận giá trị vật chất trong cuộc sống hiện nay. Đừng nói sống vì đam mê mới là hạnh phúc, tiền bạc có ít tiêu ít, nhiều tiêu nhiều. Cuộc đời sẽ cho bạn vài cái “bạt tai” để tỉnh táo hơn.

Trong cuộc sống hiện nay, không có vật chất bạn sẽ thiệt thòi. Người thiệt thòi đầu tiên là bạn, tiếp đó chính là người thân và gia đình bạn.

Hãy làm việc bạn muốn, khi nó đáp ứng cả hai giá trị trên.

5. Làm việc vì đam mê như thế nào là đáng sợ?

Theo đuổi và làm việc kết nối đam mê không dễ dàng như bạn nghĩ. Trong hành trình đó, chúng ta sẽ phải trải qua nhiều biến cố.

Nỗi sợ là gì?

Sự phản đối từ người thân và những người xung quanh

Bạn muốn làm nhưng người khác cho rằng bạn thật ngớ ngẩn. Những lời chê bai, chỉ trích sẽ xuất hiện xung quanh bạn. Nhiều áp lực sẽ đè lên đôi vai của bạn.

Bạn sẽ cảm thấy buồn và băn khoăn về quyết định của mình. Nếu không đủ quyết tâm có thể dễ dàng từ bỏ.

Công việc đam mê không mang lại giá trị vật chất

Bạn rất yêu thích và muốn theo đuổi đến cùng công việc nhưng chợt nhận ra đồng lương thật ít ỏi. Làm một thời gian dài với đồng lương đó không phải là một ý kiến hay.

Bạn có thể yêu việc đó, nhưng không có tiền hay vật chất, bạn cũng dần mất đi động lực cố gắng bởi những gánh nặng kinh tế phải lo.

Những nỗi lo cuộc sống đè nặng lên đôi vai bạn. Bạn sẽ phải đau đầu suy nghĩ xem liệu nên hay không nên theo đuổi công việc này. Mọi việc thật khó khăn phải không?

Tìm được đam mê, nhưng không biết bắt đầu từ đâu.

Liệu bạn có đang rơi vào trạng thái mông lung? Biết được đam mê của mình, nhưng không biết bắt đầu từ đâu?

Việc xác định hướng đi thực sự không hề dễ dàng. Đối với những người mới bắt đầu bước chân vào một lĩnh vực, lại càng khó khăn hơn. Đặc biệt là khi bạn không có nhiều tiền để đầu tư học hỏi, việc tìm tòi nghiên cứu sẽ lâu hơn nữa.

Làm thế nào để xác định được hướng đi, các bước phải thực hiện? Ai sẽ giúp bạn? Bạn phải làm gì mới đúng? v.v..

Hàng tá câu hỏi đặt ra trong đầu bạn. Suy nghĩ nhiều khiến bạn mệt mỏi và áp lực.

Vậy có cách nào giúp bạn vượt qua những khó khăn này?

6. Các cách để vượt qua sự “đáng sợ” khi làm việc vì đam mê

Xác định rõ lý do bạn theo đuổi đam mê

Bạn cần xác định rõ điều mình muốn và tự tin vào chính mình. Tin mình có thể làm được và làm tốt công việc. Hãy mạnh dạn bày tỏ quan điểm với gia đình bạn, giải thích lý do vì sao bạn chọn công việc, thể hiện sự cam kết, quyết tâm với công việc và mong gia đình có thể hiểu và tôn trọng ý kiến của bạn.

Tôi tin rằng khi bạn chia sẻ thật tâm với bố mẹ và những người thân của bạn, họ sẽ hiểu và có thể ủng hộ. Hãy chia sẻ với gia đình nhiều hơn.

Đam mê - vượt qua nỗi sợ

Luôn nỗ lực, phát triển đam mê

Theo đuổi công việc mình muốn là không ngừng phát triển từng ngày, chứ không phải giậm chân tại chỗ.

Ví dụ, bạn đam mê công việc bán hàng, thay vì làm nhân viên bán hàng hãy mở một cửa hàng nhỏ và tự kinh doanh hoặc có thể kinh doanh online.

Bạn muốn làm công việc bảo vệ, thay vì bảo vệ xe cho các tòa nhà văn phòng thì hãy tính tới việc làm bảo vệ cho người nổi tiếng.

Đừng chỉ dừng lại ở một vị trí nào đó, hãy nỗ lực để phát triển hơn. Hãy biết nắm bắt cơ hội, cơ hội chính là chìa khóa để thành công.

Một số tips định hướng

Hãy tham gia những nhóm, trang facebook uy tín liên quan đến ngành nghề của bạn, đặc biệt là những nhóm hướng dẫn cho người mới. Bạn sẽ thu lượm được nhiều thông tin và may mắn sẽ tìm được những khóa học đào tạo hoàn toàn miễn phí. Bạn có thể tìm thấy những người thầy của mình ở đây.

Hãy chăm chỉ tham gia các diễn đàn, hội thảo về lĩnh vực bạn quan tâm để có cái nhìn rõ nét hơn.

Hãy tìm kiếm các công việc thực tập sinh để học hỏi tích lũy kinh nghiệm. Theo quan điểm cá nhân của tôi, bạn nên tìm các công việc có hỗ trợ lương hoặc có lương, bởi khi bạn có giá trị bạn sẽ được trao lại giá trị. Chỉ làm việc không lương khi bạn học hỏi được nhiều kinh nghiệm. Hãy làm việc theo hướng trao đổi lẫn nhau.

Không ngừng học hỏi, chăm chỉ và nỗ lực hết mình, bạn sẽ tìm được hướng đi của riêng bạn.

7. Tấm gương về theo đuổi đam mê công việc

Chắc hẳn, ai trong chúng ta cũng biết đến ca sĩ Sơn Tùng MTP phải không? Chàng trai được lấy làm ví dụ tiêu biểu cho nhiều bài viết về chủ đề theo đuổi tạo động lực. Tôi cũng xin được  lấy hình ảnh chàng trai này trong câu chuyện tôi muốn viết. Bởi anh đã truyền nguồn cảm hứng cho nhiều người theo đuổi ước mơ của chính mình.

Những năm đầu tham gia showbiz, Tùng hoạt động như kẻ vô danh. Sau khi một số ca khúc nổi lên xu hướng, anh lại liên tục bị vướng scandal đạo nhái, lượng anti fan đông đảo. Sơn Tùng đã chịu rất nhiều sự chỉ trích từ dư luận.

Nhiều nghệ sĩ nếu bị như anh, có thể rơi vào trầm cảm. Nhưng, Tùng thì không, anh không hề gục ngã trước làn sóng dư luận, luôn nỗ lực cố gắng từng ngày để khẳng định tài năng.

Kết quả là, anh đã trở thành một trong những ngôi sao hạng A, được tham dự nhiều buổi biểu diễn quốc tế, nhận những giải thưởng lớn nhỏ.

Sơn Tùng MTP

Sơn Tùng đã có một câu nói truyền cảm hứng đến nhiều người: “Nếu muốn ngồi ở vị trí mà không ai ngồi được thì phải chịu cảm giác mà không ai chịu được”

Bạn thấy sao về câu nói này?

Trên đây, tôi đã giúp bạn hiểu hơn về đam mê, những giá trị, dấu hiệu cho thấy bạn đã tìm đúng công việc, làm việc vì đam mê đáng sống và đáng sợ như thế nào và cách vượt qua những nỗi sợ.

Cuối cùng, quyết định theo đuổi đam mê như thế nào là ở bạn. Tôi chỉ khuyên bạn một điều rằng hãy làm những gì bạn muốn, vì cuộc đời chỉ có một, cuộc đời là của bạn. Hãy đưa ra những quyết định sáng suốt nhất. Thành công, hạnh phúc sẽ đến với bạn.

Xem thêm: Sở thích, đam mê, công việc – Đừng nhầm lẫn