Hệ lụy của đứa trẻ chịu tổn thương từ gia đình
Để truyền tải câu chuyện về hệ lụy của đứa trẻ chịu tổn thương từ gia đình được tốt nhất, tác giả xin được sử dụng ngôi thứ nhất để kể câu chuyện của mình.
MỤC LỤC
1. Tâm sự về gia đình
Tôi cũng sẽ chẳng có tâm sự nào để kể nếu như gia đình tôi không xuất hiện thành viên thứ tư. Kể từ ngày biết gia đình mình chuẩn bị đón thêm thành viên mới, tôi đã trải qua cảm xúc vui buồn lẫn lộn. Vui vì mình sắp có em, tôi có người để chơi cùng. Buồn vì tôi hiểu tình thương mà cha mẹ dành cho mình sẽ phải san sẻ với người khác.
Và chẳng biết là khi nào tôi lại có cảm giác mình là người thừa trong gia đình nữa. Tất cả mọi việc từ việc nhà, bếp núc, trông em tất cả đều đổ dồn lên đứa con gái 13 tuổi.
Tôi hiểu là sẽ có sự thiên vị dành cho em gái. Nhưng tôi đâu biết là toàn bộ tình thương của cha mẹ đều dành cho em. Nhiều lúc tôi tâm sự với mẹ về chuyện này. Tôi cứ tưởng là mẹ sẽ hiểu cho tôi nhưng không, mẹ trách tôi. Mẹ trách tôi không tập trung, không chú tâm vào việc học. Mẹ không còn thương tôi nữa!
Thật sự là tôi chẳng thể chú tâm vào việc học được. 5h sáng, tôi dậy quét nhà rồi phụ mẹ nấu bữa sáng. Tôi cũng mất đi đặc quyền được ba đưa đi học từ khi em xuất hiện. Hoặc là đi bộ, hoặc đi xe đạp nếu tôi may mắn mượn được xe đạp của chú hàng xóm. Trưa về tôi phải nấu bữa trưa, sau đó rước em học về. Đầu giờ chiều tôi lại đi học. Chiều về lại phải nấu cơm. Tối đến phải dạy em học. Quá nhiều thứ đổ dồn lên đầu con bé 13 tuổi thì thử hỏi tôi chú tâm học thế nào đây!

Hệ lụy của đứa trẻ chịu tổn thương từ gia đình là bắt đầu có cái nhìn tiêu cực hơn về cha mẹ của mình. Và tôi nhận ra gia đình mình đã không còn hạnh phúc như ngày trước nữa.
Xem thêm: Gia đình không hạnh phúc ảnh hưởng đến con cái như thế nào?
2. Tổn thương phải gánh chịu
2.1 Ở nhà
Tôi nhớ có lần tôi cãi lời mẹ và mẹ phạt tôi quỳ gối. Tôi quỳ từ chiều đến khi xong bữa tối tôi mới có thể đứng dậy dọn dẹp rồi đi ngủ. Mẹ không cho tôi ăn, rất nhiều lần.
Có một lần cùng mẹ đi chợ, tôi có đòi mẹ mua cho bộ đồ, một cái áo 45.000 đồng và mẹ không đồng ý. Vừa về đến nhà, mẹ lôi tôi vào phòng và lấy kéo cắt nát chiếc áo tôi đang mặc rồi mắng “khi nào áo mày rách thế này đi rồi tao mua cho” và tống tôi ra đường. Tôi đập cửa, kêu la, khóc ngất ngoài đường, người đi đường nhìn tôi với ánh mắt tội nghiệp nhưng mẹ tôi thì không.
May mắn là có một cô thương tôi, kêu tôi về nhà cô và tặng tôi một chiếc áo mới để thay. Đến giờ chiều, mẹ bước ra khỏi nhà tìm tôi. Thấy tôi ngồi khóc bên kia đường với chiếc áo mới được tặng, mẹ bước nhanh tới tát thẳng vào mặt tôi và mắng vì nhận đồ của người lạ. Như thường lệ, nhận cú tát của mẹ là tôi sẽ khóc to hơn mặc cho mẹ đánh. Nhưng lần này không hiểu sao nước mắt tôi không còn chảy nữa.
Nhiều lần khác mẹ dạy tôi bằng đòn roi trước mặt em chỉ vì chướng mắt.
Tại sao không thấy tôi nhắc đến ba? Ba tôi còn “ác” hơn cả mẹ, chỉ vì tôi cầm bút bằng tay trái mà cả tuần sau đó tay trái tôi không nắm chặt lại được. Không những thế ba còn khó khăn trong việc ăn uống, một lần tôi nấu canh, gia vị không được ngon cho lắm, ba bắt tôi ăn cả nồi canh đấy trước mặt ba. Vâng, nồi canh 4 người ăn và tôi cố nuốt vào mà nước mắt cứ chảy ra, tôi ăn đến nôn ọe ra sàn mà sắc mặt ba vẫn không thay đổi. Vì thế tôi ghét tâm sự với gia đình, tôi ghét gia đình mình.
2.2 Ở trường
Cứ tưởng ở trường tôi lại có nhiều bạn bè để chơi cùng. Nhưng không, do tôi là học sinh từ nơi khác chuyển tới, tôi là chủ đề để cả lớp châm chọc. Ngay cả cô chủ nhiệm cũng thờ ơ với đứa “ngoại lai” như tôi.
Đỉnh điểm là tôi bị một đám con trai xúc phạm về giọng nói và tính cách của tôi. Đúc lúc cô chủ nhiệm đi ngang và “vô tình” xoay mặt đi ngay sau khi tôi gọi cô. Dường như việc tôi không giỏi ăn nói cộng thêm việc tôi thẳng tính đã biến tôi trở thành một “nỗi ô nhục” của lớp và tôi đã bị cô lập suốt từ đó.

Không những thế, tôi còn bị xem là đứa sai vặt của lớp. Từ việc xin phấn, lau bảng, đổ rác, tất cả đều đùn đẩy lên một đứa như tôi. Là tôi không hòa nhập với lớp. Hay do mọi người không cho tôi hòa mình vào tập thể này. Tôi ghét việc đến trường.
Hệ lụy của đứa trẻ chịu tổn thương từ gia đình là nguyên nhân gây ra các khiếm khuyết trong suy nghĩ. Hậu quả dẫn đến các tổn thương khác ngoài xã hội, điển hình là trường học.
3. Tự ti về bản thân
Một con bé chập chững bước chân vào đời với nhiều chông gai. Chông gai từ nhà đến trường thì làm sao có đủ bản lĩnh để vượt qua sự tự ti.
Tại sao mọi thứ bất hạnh, khó khăn lại đổ dồn lên tôi vậy? Tôi đã làm gì sai mà để tôi phải chịu cảnh phân biệt đối xử trong trường. Và về đến nhà là phải chịu cảnh “dạy dỗ nghiêm khắc” đến vậy.
Đồng ý là tôi có nhiều thứ không tốt. Tôi không suy nghĩ nhanh như người khác và giao tiếp cũng không được ổn. Nhưng tôi là con người, cũng có suy nghĩ, cảm xúc. Tại sao lại đối xử với tôi như một “thùng rác” vậy!
4. Bất lực với cuộc đời chính mình
Ngày mà những đứa trẻ khác còn đang tò mò về thế giới xung quanh thì tôi đã chấp nhận cuộc sống của mình rồi. Cuộc sống mà hầu như tôi chỉ có quyền tự do để thở thôi.
Sự bất lực ngày càng lớn nhanh. Nhanh đến mức tôi gần như không nhớ tuổi thơ mình từng tồn tại. Tôi chỉ còn nhớ duy nhất ngày mà ba chở tôi đi thả diều cùng lũ bạn. Còn lại chỉ là những lời nói cay nghiệt của mẹ và hành động vô tâm của ba. Tuổi thơ trong tôi chỉ còn là cánh diều vải mẹ may bay cạnh những con diều đắt tiền của lũ bạn.
Tôi bất lực nhìn cuộc sống của mình trôi qua vô vị và tẻ nhạt. Sự nhạt nhẽo lặp lại hàng ngày khiến tôi phát ngán. Tôi chán ghét gia đình của mình. Tôi ước tôi có bản lĩnh để vùng lên đòi lại đặc quyền mà tôi đã từng có khi xưa.
Theo thống kê những đứa trẻ từng bị gia đình bỏ rơi có tỉ lệ cao trở thành tội phạm. Đây chính là hệ lụy lớn nhất của những đứa trẻ chịu tổn thương từ gia đình. Những đứa trẻ này chai lì cảm xúc, hạn chế về mặt nhận thức, vô cảm với thế giới xung quanh và có cái nhìn lệch lạc về xã hội.

Trẻ em là để yêu thương, chăm sóc và che chở. Nên nếu không dạy dỗ trẻ tử tế được thì cũng đừng để chúng có cảm giác bị bỏ rơi. Trẻ em giống như tờ giấy trắng vậy, “cảm xúc. suy nghĩ của trẻ” chính là giọt mực. Và để trở thành một bức hội họa hay là một tờ giấy nháp, phụ thuộc rất lớn vào sự chăm nom của bậc phụ mẫu. Đừng để cảm xúc nhất thời của mình biến tương lai của một đứa trẻ trở nên tăm tối.